Thứ Hai, 25/11/2024 08:01
Xây dựng và củng cố niềm tin trong việc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay là việc làm quan trọng góp phần củng cố lập trường tư tưởng, giáo dục lý tưởng cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho sinh viên.
Bên cạnh việc trau dồi những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, tiếp thu kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến của thời đại, sinh viên - lực lượng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa còn cần phải có nhận thức đúng đắn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, sự kiên định lý tưởng cách mạng, có ý thức và kỹ năng trong đấu tranh phòng chống âm mưu của các thế lực thù địch.
Ảnh minh họa
1. Đặt vấn đề
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện âm mưu chống phá, các đối tượng thù địch không ngừng chĩa mũi nhọn vào phê phán, công kích, xuyên tạc sự lựa chọn này nhằm mục đích làm chệch hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta. Thực tế này đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn tỉnh táo, nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Ở Việt Nam, sinh viên là lực lượng đông đảo trong xã hội, được kế thừa truyền thống hiếu học của dân tộc; được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, kỳ vọng là tương lai của đất nước; do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta là phải giáo dục lý lưởng cách mạng cho sinh viên, phải xây dựng và củng cố niềm tin của sinh viên trong việc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
2. Quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là bộ phận quan trọng trong học thuyết khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, là lý tưởng, mục tiêu của cách mạng vô sản. Những năm đầu ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh bôn ba khắp các châu lục để tìm hiểu bản chất của chủ nghĩa thực dân và tình cảnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Năm 1920, Bác đã đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin. Như vậy, sau gần 10 năm đi khắp thế giới, Bác đã thực hiện được mục đích tìm được con đường cứu nước, cứu dân: Đó là con đường cách mạng vô sản, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Bác tiếp cận con đường cách mạng vô sản, khẳng định tính tất yếu của cách mạng nước ta là phải tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo quốc tế thứ ba. Từng bước một trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên toàn thế giới khỏi ách nô lệ”1.
Chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, có nền kinh tế phát triển nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho nhân dân; chủ nghĩa xã hội là một xã hội phát triển ở trình độ cao về văn hóa, đạo đức, một xã hội công bằng, mọi người có nghĩa vụ và quyền được lao động, hưởng theo lao động, các dân tộc bình đẳng. Chủ nghĩa xã hội là “một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động”2. Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn có ý nghĩa rất quan trọng, từ việc đưa ra quan niệm, phương châm, phương pháp, đến việc chuẩn bị những điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một vấn đề lớn, luôn được Đảng nhận thức, bổ sung phù hợp với từng giai đoạn. Ngay từ khi ra đời (2/1930), Đảng ta đã xác định rõ ràng và dứt khoát con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, là con đường xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được hội nghị thành lập Đảng (2/1930) thông qua đã nêu rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”3. Luận cương chính trị tháng 10/1930 nhấn mạnh con đường phát triển của cách mạng Việt Nam “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”4.
Kể từ Đại hội VI của Đảng đến nay, đã có những cuộc hội thảo bàn luận khá sôi nổi về khả năng và triển vọng của chủ nghĩa xã hội; trong đó, không ít ý kiến có biểu hiện dao động, hoài nghi về tương lai của chế độ xã hội chủ nghĩa. Vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội hiện thực rơi vào khủng hoảng trầm trọng, sụp đổ ở Liên Xô và một số nước Đông Âu; nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã khẳng định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”5.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội VI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII đề ra (6/1991) và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011 là quá trình không ngừng phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn đổi mới của Việt Nam. Đảng ta khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”6.
Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển, cụ thể hóa hơn các mục tiêu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Lựa chọn con đường chủ nghĩa xã hội là sự nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng và củng cố niềm tin của sinh viên trong việc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
3.1 Thuận lợi
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mang lại những ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và nhận thức chính trị của sinh viên. Quá trình này không chỉ mở rộng cánh cửa học tập và trao đổi văn hóa mà còn mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên Việt Nam được tiếp cận và phân tích sâu sắc các vấn đề chính trị quốc tế và trong nước dưới nhiều góc độ từ đó giúp sinh viên nâng cao nhận thức, xây dựng thế giới quan khoa học, hiểu được sự phức tạp và đa chiều của chính trị; trên cơ sở đó nhìn nhận thực tiễn đất nước và hiểu được vì sao chúng ta cần kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau hơn 38 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế, kinh tế tăng trưởng khá và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; mức sống, sức khỏe và tuổi thọ của người Việt Nam không ngừng được nâng lên; đất nước vững vàng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới; tình hình chính trị ổn định, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Những điều kiện thuận lợi trên tác động trực tiếp tới sinh hoạt và học tập của sinh viên, tạo niềm tin cho sinh viên về những định hướng, quyết sách đúng đắn, tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Việc xây dựng bản lĩnh chính trị cho sinh viên thường xuyên được chú trọng quan tâm. Trong quá trình đào tạo, học tập tại trường, sinh viên được học tập, nghiên cứu các môn khoa học cơ bản, nhất là các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; được rèn luyện thông qua các hoạt động giáo dục chính trị, đạo đức, giáo dục truyền thống và các hoạt động chính trị - xã hội, hoạt động ngoại khóa… Thông qua đó, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận, tác phong khoa học của sinh viên được hình thành, phát triển; cùng với đó, hệ thống tri thức chính trị, tình cảm, niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như việc kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa được xây dựng và củng cố.
Bên cạnh đó, sinh viên Việt Nam là bộ phận thanh niên ưu tú, có lòng yêu nước nồng nàn, yêu chủ nghĩa xã hội, có trách nhiệm với Tổ quốc, giàu tri thức, năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng, có khát vọng vươn lên. Phần lớn sinh viên Việt Nam có thái độ sống tích cực, năng động, có chí hướng và say mê học tập, xung kích trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo, tình nguyện và tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế; giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, những biểu hiện tiêu cực của xã hội.
3.2 Khó khăn
Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có một số bất cập, hạn chế đã tác động tiêu cực đến ý thức chính trị của sinh viên. Mặt khác, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng làm du nhập những luồng chính trị ngoại lai không phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, làm một bộ phận sinh viên dao động về chính trị, thậm chí mất phương hướng, nhận thức sai lầm. Lợi dụng quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, nhất là trước những sự kiện “nóng” về chính trị, tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin chính trị của sinh viên. Mục tiêu, bản lĩnh chính trị của một bộ phận sinh viên bị dao động, phai nhạt lý tưởng cách mạng.
Tại một số trường đại học, cao đẳng, công tác nắm bắt, định hướng dư luận sinh viên ở một số thời điểm, một số đơn vị chưa được quan tâm; việc xử lý, giải quyết các tình huống mới, phát sinh còn chậm, lúng túng. Các hoạt động tạo môi trường để sinh viên học tập, sáng tạo nghiên cứu khoa học ở nhiều nơi chưa có nhiều đột phá, chưa tận dụng được nguồn lực và tiềm năng của sinh viên. Ở một số trường, việc dạy và học các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được coi trọng đúng mức; một số giảng viên, sinh viên, thậm chí cả các bậc phụ huynh coi đó là môn học phụ, việc dạy và học chưa tạo được hứng thú cho người học, chất lượng chưa cao. Nội dung, chương trình, phương thức giáo dục chậm đổi mới, chưa thật sự gắn kết, thiếu hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên. Đội ngũ làm công tác giáo dục lý luận ở nhiều nơi còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Những tồn tại này gây ảnh hưởng đến niềm tin của sinh viên vào việc kiên định đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.
4. Một số giải pháp xây dựng và củng cố niềm tin của sinh viên trong việc kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Một là, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, trình độ nhận thức cho sinh viên, tạo điều kiện phát huy dân chủ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho sinh viên.
Cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, môi trường học tập cho sinh viên. Hạn chế việc bố trí các lớp học của môn Lý luận chính trị quá đông sinh viên như thực tiễn hiện nay ở hầu hết các trường nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí nhưng làm cho việc giảng dạy bị cản trở, kém hiệu quả. Cần quan tâm đầu tư nhiều hơn vào các chương trình của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa sinh động, hấp dẫn, mang tính tư tưởng cao. Có môi trường học tập và rèn luyện tốt chính là động lực thúc đẩy sinh viên tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, tin vào việc kiên định lựa chọn đi lên con đường xã hội chủ nghĩa là đúng đắn.
Hai là, thường xuyên tuyên truyền, giác ngộ, đề cao cảnh giác trước các luận điệu chống phá, xuyên tạc, của thế lực thù địch, phát huy vai trò của truyền thông, mạng xã hội trong cuộc đấu tranh tư tưởng này. Trọng tâm công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống là những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên; nâng cao chất lượng đào tạo nghề tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; phát huy vai trò của sinh viên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị. Cần phải tạo bước chuyển biến căn bản, toàn diện về công tác giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, nhất là với sinh viên, trước hết thông qua việc giảng dạy các môn lý luận chính trị. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Từng bước đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị; cần cập nhật một số điểm mới của Đảng được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII về khát vọng dân tộc, về chủ nghĩa xã hội khoa học và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, giúp sinh viên tiếp thu tri thức khoa học, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng; có lý tưởng, đạo đức cách mạng, năng lực sáng tạo trong hoạt động thực tiễn; nắm được những kiến thức căn bản, cốt lõi, quan trọng để xây dựng cơ sở khoa học cho nhận thức và niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng, vào sự lựa chọn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bốn là, tăng cường vai trò của các đoàn thể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục ngoại khóa như nói chuyện chuyên đề, báo cáo thời sự, nghị quyết, tham quan, nghiên cứu thực tế, các hình thức văn hóa, thể thao, các cuộc thi tìm hiểu về lý luận chính trị, tư tưởng. Phát triển các hoạt động ngoại khóa, hoặc tổ chức các cuộc thi, các sân chơi, các hoạt động thực tiễn hấp dẫn hơn. Môi trường thực tiễn chính là nơi để sinh viên hiểu rõ hơn và có cơ hội vận dụng các kiến thức chính trị tư tưởng, thể hiện và kiểm nghiệm đạo đức, lý tưởng cách mạng của mình. Nâng cao vai trò của các tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với sinh viên, kịp thời nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội; đồng thời, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức chính trị lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, hội viên.
5. Kết luận
Với những thành tựu mà đất nước đã đạt được sau 49 năm thống nhất đất nước đã chứng minh rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta luôn nhất quán kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đi lên xã hội chủ nghĩa - điều này có giá trị tư tưởng quan trọng trong việc củng cố niềm tin của nhân dân nói chung và đội ngũ sinh viên nói riêng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
------------------------------------------------------------------- TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr.128
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, tr.23
3. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.2
4. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.94
5. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.8
6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.24
Nguyễn Thị Ngọc Trang - Giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Theo thanhnienviet
BP (s/t)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH BẮC NINH
Bản quyền thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh
Địa chỉ: 81 Lê Văn Thịnh, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh
Số điện thoại liên hệ: 0222 3810 215
Email: bantuyengiaotdbn@gmail.com