Thứ Năm, 19/12/2024 15:53
Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Tư tưởng của Người là kho tàng lý luận toàn diện, sâu sắc về cách mạng Việt Nam, trong đó tư tưởng về vai trò của văn hóa văn nghệ (VHVN) là một nội dung quan trọng. Theo Người, VHVN là một lĩnh vực đặc biệt của đời sống tinh thần xã hội, góp phần hun đúc nên phẩm chất, nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa. Với Quân đội, VHVN trực tiếp góp phần bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách của người quân nhân cách mạng và xây dựng Quân đội về chính trị. Để xây dựng Quân đội trong tình hình mới phải tiếp tục phát huy vai trò VHVN trong xây dựng Quân đội về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trò chuyện, động viên các nữ cán bộ, chiến sĩ, dân quân tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Trong xây dựng Quân đội về chính trị, VHVN là một bộ phận của văn hóa quân sự, là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần được hình thành, phát triển gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành, phát triển của Quân đội. Phát huy các giá trị VHVN, góp phần khơi dậy sức mạnh nội lực của cán bộ, chiến sĩ hướng vào hoàn thành các mục tiêu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Là một bộ phận của văn hóa nói chung, VHVN được hình thành và bồi đắp qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngay từ khi Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, VHVN đã luôn bổ sung thêm những giá trị mới kết tinh từ thực tiễn hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Những giá trị đó phản ánh bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội ta - một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của VHVN trong đấu tranh cách mạng. Theo Người, văn hoá có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng con người và hoạt động VHVN được xem là “binh chủng đặc biệt”, có sức mạnh độc đáo, có khả năng tác động vào tâm hồn, tình cảm, cảm xúc con người, trực tiếp nuôi dưỡng, đào tạo nhân cách con người mới với những phẩm chất cao đẹp, phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Chính vì vậy, Người thường xuyên quan tâm đến VHVN để bồi dưỡng lý tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đưa văn hóa thấm sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất, cải tạo con người. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới ra đời, Người chỉ rõ: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại Nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” [1].
Khẳng định vị trí, vai trò của VHVN đối với kinh tế và chính trị, Người khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội”. Bản thân Hồ Chí Minh cũng đã góp phần to lớn trong việc sáng tác ra những tác phẩm văn hóa nghệ thuật để phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm của Người cùng với những tác phẩm VHVN mà Người để lại đã trở thành di sản quý báu, thành kim chỉ nam của nền VHVN cách mạng Việt Nam.
Trên lĩnh vực chính trị, Người nói: “Văn hoá có liên lạc với chính trị rất mật thiết”, “Chính trị có được giải phóng thì văn hoá mới được giải phóng. Chính trị giải phóng mở đường cho văn hoá phát triển”. “Xưa kia chính trị bị đàn áp, nền văn hoá của ta vì thế không nảy sinh được”. “Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy... dưới chế độ thực dân và phong kiến, Nhân dân ta bị nô lệ, thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn, không thể phát triển được” [2].
Người chỉ ra nguyên nhân kém hiệu quả của kinh tế là do trình độ văn hóa của cán bộ và Nhân dân còn thấp. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế, xây dựng nước nhà thì trước hết phải nâng cao trình độ văn hóa của Nhân dân: “Trình độ văn hoá của Nhân dân cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ… cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” [3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ sĩ, Người coi “Văn hoá, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Quan niệm này đã đưa hoạt động VHVN lên tầm cao mới trong sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi văn hoá nghệ thuật vừa phải khẳng định bản chất nghệ thuật, chức năng thẩm mỹ vươn tới cái đẹp nhưng vừa phải mang tính chiến đấu. Người nói: “Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp; phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ thêm xuân” [4].
Bản thân Hồ Chí Minh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại. Thơ Hồ Chí Minh có bài viết bằng tiếng Việt, có bài viết bằng chữ Hán, song không bài thơ nào vắng bóng con người. Là người mở đầu và đặt nền móng cho nền văn xuôi cách mạng Việt Nam, Người đã tìm tòi và viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, du ký, truyện viễn tưởng, truyện ngắn, thư từ, ký, kịch, tiểu phẩm, văn chính luận. Người còn là bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam; là người sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta. Những bài báo ngắn gọn của Người đã góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa. Những gì Người nói, viết đều rất chân thực, giản dị, tự nhiên phản ánh vẻ đẹp cao quý trong đạo đức, trí tuệ và tâm hồn của một nhân cách lỗi lạc. Nhân cách, tư tưởng đó của Người đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến đội ngũ văn - nghệ sĩ. Học tập tấm gương của Hồ Chí Minh, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đội ngũ văn, nghệ sĩ đồng hành cùng dân tộc, vừa là người lính cầm súng, vừa là nghệ sĩ cầm bút sáng tác hàng ngàn tác phẩm động viên, cổ vũ, khích lệ để toàn dân, toàn quân tô thắm thêm trang sử vẻ vang của thời đại.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam hết sức quan tâm tới mặt trận VHVN. Qua đó, làm cho VHVN phát huy được tối đa sức mạnh và tầm ảnh hưởng, góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của Nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất giang sơn, đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH. Trong sự nghiệp đổi mới, VHVN đã và đang góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước và nhân loại, cần vận dụng sáng tạo hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về VHVN để tiếp tục phát huy vai trò của lĩnh vực đặc thù này trong quá trình xây dựng đất nước và con người Việt Nam.
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của VHVN, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước về VHVN, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác VHVN trong Quân đội; được cụ thể hóa thông qua các chỉ thị, hướng dẫn thực hiện về công tác xây dựng văn hóa nói chung, phát huy VHVN nói riêng, bảo đảm cho VHVN phát triển đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội và đời sống tinh thần của bộ đội trong từng giai đoạn cách mạng. Hệ thống thiết chế văn hóa trong toàn quân đã được xây dựng, củng cố, ngày càng hoàn thiện. Nhờ đó, các giá trị VHVN đã góp phần phát huy nhân tố con người, là gốc rễ, nền tảng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam và định hướng dẫn dắt quá trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội, nhất là ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, toàn diện, chuyên sâu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ tốt, trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao; phát huy tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu VHVN có giá trị, sáng tạo nên những tác phẩm thấm đẫm tính nhân văn, có chất lượng cao. Cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm chăm lo, tạo điều kiện để hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng ở đơn vị cơ sở ngày càng đi vào nền nếp, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bộ đội.
Hoạt động VHVN của Quân đội đã góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực xây dựng môi trường văn hóa quân sự phong phú, lành mạnh, ngăn chặn, loại trừ các loại hình văn hóa xấu độc thẩm thấu vào đời sống của bộ đội. Đồng thời, tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, góp phần tô thắm, phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường mối đoàn kết quân – dân, tạo điều kiện cho Quân đội luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, hoạt động VHVN trong Quân đội còn bộc lộ một số hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy về vị trí, vai trò của hoạt động VHVN chưa ngang tầm; thậm chí có nơi còn xem nhẹ, thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư đúng mức. Việc đầu tư sáng tác ở một số loại hình VHVN còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa có nhiều những tác phẩm VHVN chất lượng cao, chưa đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa - tinh thần ngày càng cao của bộ đội. Một số văn nghệ sĩ chưa thực sự hòa nhập với thực tiễn hoạt động phong phú, sinh động của bộ đội ở cơ sở, nhiệm vụ mới, nơi khó khăn gian khổ. Tính chiến đấu, tính phê bình trong hoạt động lý luận, phê bình VHVN, đấu tranh, phòng, chống quan điểm, khuynh hướng sai lầm, lệch lạc, thù địch còn thiếu nhạy bén, hiệu quả chưa cao,v.v.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao và toàn diện. Quân đội không chỉ được trang bị vũ khí ngày càng hiện đại, luôn giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng của Đảng và có trình độ tác chiến cao, mà còn phải là lực lượng có sức mạnh từ trong sâu thẳm cội nguồn văn hóa dân tộc, biết sáng tạo và thưởng thức văn hóa, nghệ thuật một cách tinh tế, có đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, v.v. Để phát huy vai trò của VHVN trong xây dựng Quân đội về chính trị, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt về vị trí, ý nghĩa của công tác VHVN trong Quân đội. Mục đích xuyên suốt của việc làm này là nhằm thống nhất nhận thức và hành động đối với công tác VHVN. Quá trình thực hiện, phải thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh công tác giáo dục chính trị, các đơn vị cần tăng cường quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước về phát triển văn hoá, con người Việt Nam và chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với cán bộ chủ trì các cấp. Chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, giáo dục; trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục theo chuyên đề, chủ đề, phù hợp với từng đối tượng; phát huy vai trò của các lực lượng, phương tiện thông tin truyền thông và thiết chế văn hóa. Việc tuyên truyền, giáo dục cần gắn với quán triệt Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Công tác tuyên truyền phải hướng tới làm cho các cơ quan, đơn vị trong Quân đội thấu triệt quan điểm: “Phát triển sự nghiệp VHVN, chăm lo bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đổi mới phương thức hoạt động của các hội VHVN” của Đảng; thấy rõ VHVN là một mặt không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bộ đội. Đồng thời, nhận thức rõ việc chăm lo hoạt động VHVN là trách nhiệm của mọi tổ chức, đoàn thể, trước hết là cấp ủy, chỉ huy, đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp, những người trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực VHVN. Trên cơ sở đó, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo hoạt động VHVN trong Quân đội phát triển đúng hướng, hiệu quả và khơi dậy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có ngày càng nhiều tác phẩm hay, tính nghệ thuật cao, phản ánh, quảng bá, động viên, khích lệ kịp thời tinh thần của bộ đội trong huấn luyện, công tác, sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, góp phần đấu tranh với sự “xâm lăng văn hóa”, khuynh hướng lai căng, thương mại hóa,… trong hoạt động VHVN của Quân đội.
Hai là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp đối với công tác VHVN. Các cấp ủy cần xác định rõ công tác VHVN là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong các hoạt động lãnh đạo của cấp mình. Chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp có trách nhiệm đưa nhiệm vụ này vào kế hoạch hoạt động chung của đơn vị và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về mọi hoạt động thuộc lĩnh vực VHVN của đơn vị. Cơ quan chính trị phát huy tốt vai trò tham mưu, giúp cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra,… đơn vị triển khai thực hiện tốt nội dung này. Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện, cần phân công cán bộ có trình độ, kinh nghiệm tổ chức hoạt động VHVN giúp cấp ủy trực tiếp chỉ đạo sâu sát, có cách làm hay phù hợp với thực tiễn đơn vị. Các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cần xây dựng và thực hiện tốt Quy chế hoạt động VHVN; có cơ chế để các hoạt động lý luận, phê bình, tổng kết diễn ra đúng hướng, có hiệu quả.
Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động chuyên môn của đơn vị để có biện pháp chỉ đạo rút kinh nghiệm kịp thời, sâu sắc, thiết thực nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật của các tác phẩm, phù hợp với trình độ thưởng thức của bộ đội. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao tầm trí tuệ, tính triết lý, tính thực tiễn và tính giáo dục sâu sắc của các hoạt động VHVN của đơn vị mình. Đặc biệt, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cần đầu tư thời gian, trí tuệ, công sức để mỗi tác phẩm nghệ thuật khi đã ra mắt độc giả, khán giả, đều đạt được sự thành công về nội dung và giá trị nghệ thuật, đi vào sâu thẳm tâm hồn của bộ đội và Nhân dân.
Ba là, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu hoạt động VHVN trong Quân đội. Đội ngũ văn nghệ sĩ là những người trực tiếp sáng tạo, quyết định đến chất lượng, sức sống của tác phẩm VHVN về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Trên thực tế, cũng không ít người quan niệm rằng, hoạt động trên lĩnh vực này là “nhàn nhã”. Đó là quan niệm không đúng! Trái lại, hoạt động VHVN là một loại hình lao động đặc biệt, không kém phần vất vả, cực nhọc; không thể sử dụng những người không có năng khiếu, tố chất, sở trường và thiếu sự đào tạo bài bản, kỹ lưỡng về lĩnh vực chuyên môn. Do đó, việc phát hiện, quy hoạch, tạo nguồn nhân lực VHVN, bảo đảm tuyển chọn đúng người vào các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có ý nghĩa đặc biệt. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng việc xây dựng nguồn nhân lực, phát hiện, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và các tài năng trên lĩnh vực VHVN một cách toàn diện cả về tri thức, kỹ năng chuyên môn, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, v.v. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu, xây dựng chế độ, chính sách thu hút tài năng; khuyến kích, động viên các văn nghệ sĩ gắn bó với nghề, sâu sát đời sống và hoạt động thực tiễn của bộ đội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; nêu cao tinh thần tự rèn luyện, tu dưỡng, sáng tạo ra những tác phẩm VHVN có tính tư tưởng, nghệ thuật cao, phản ánh sâu sắc, sinh động về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thông qua sự cảm nhận cuộc sống và năng lực đặc biệt của mình.
Bốn là, xây dựng Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội xứng đáng là trung tâm đào tạo nghệ thuật cho Quân đội và cả nước. Xuất phát từ đặc thù của một nhà trường Quân đội nhưng lĩnh vực đào tạo lại mang tính chất xã hội rộng rãi, Nhà trường nhất thiết phải quan tâm đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và tổ chức phương pháp dạy học bảo đảm sát đối tượng, hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”. Bám sát phương châm “dạy cái Quân đội, xã hội cần chứ không dạy cái mình biết”, và yêu cầu bảo đảm định hướng chính trị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trên cơ sở chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương và Tổng cục Chính trị, Nhà trường cần có cơ chế phù hợp huy động, thu hút các nhà khoa học, nhà giáo đầu ngành về văn hóa, nghệ thuật cả trong và ngoài Quân đội tham gia cùng đội ngũ giảng viên xây dựng chương trình khung, biên soạn giáo trình, giáo án cho từng chuyên ngành, bậc học, bảo đảm tính hợp lý, cân đối, liên thông trong đào tạo. Hơn nữa, Nhà trường cần tăng cường và tạo mọi điều kiện cho các văn nghệ sĩ trong quân đội đi đào tạo, bồi dưỡng tập huấn, biểu diễn trong và ngoài nước. Cùng với đó, Nhà trường tích cực, chủ động, sáng tạo trong hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trong nước và ngoài nước, nhất là các nước có nền nghệ thuật phát triển để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm là, quan tâm đầu tư nguồn lực cho hoạt động VHVN trong Quân đội. Hồ Chí Minh cho rằng: “Có thực mới vực được đạo”. Điều đó đúng với mọi ngành, lĩnh vực, đặc biệt đối với VHVN là lĩnh vực hoạt động có tính đặc thù cao. Nếu VHVN không được đầu tư đúng mức thì sẽ khó có thể phát triển, hoạt động không hiệu quả. Trên thực tế, hệ thống thiết chế văn hóa của Quân đội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ; không ít đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực VHVN có trang bị, phương tiện chưa tương xứng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của lĩnh vực này. Vì vậy, đầu tư, quản lý, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động VHVN một cách phù hợp, có chiều sâu và vững chắc là việc làm rất cần thiết hiện nay.
VHVN là một mặt trận, nếu được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả sẽ thiết thực nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần của bộ đội, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.7.
[2] Hồ Chí Minh, Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, Nxb Văn học, H.1981, tr.516.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.458-459
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 13, tr.505.
Thượng tá Đặng Công Thành; Trung tá Nguyễn Thái Sơn
Theo Hochiminh.vn
BP (s/t)
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH BẮC NINH
Bản quyền thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh
Địa chỉ: 81 Lê Văn Thịnh, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh
Số điện thoại liên hệ: 0222 3810 215
Email: bantuyengiaotdbn@gmail.com