Thứ Ba, 09/07/2024 10:26
Hiểu rõ vai trò của việc tập luyện thể dục thể thao đối với sức khỏe con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy việc tập luyện như một lẽ sống giản dị. Sinh thời Người từng nói: “Mỗi một người dân yếu, tức là cả nước yếu, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”.
Lời dạy của Bác là linh hồn, ngọn đuốc sáng soi rọi, dẫn đường cho thể dục thể thao nước nhà ngày càng phát triển
Ngay từ những năm tháng sống tại Pháp, Bác Hồ đã có ý thức gìn giữ sức khỏe để hoạt động cách mạng lâu dài. Vào mùa đông lạnh giá, trước khi đi làm, Bác đã lấy hai viên gạch đặt vào lò bếp của khách sạn nơi thuê trọ để chiều về lấy viên gạch ra, bọc báo cũ làm tấm lót nệm nằm cho đỡ rét.
Trong thời gian ở nước Nga, vào mùa Đông rét mướt, Bác Hồ vẫn đều đặn dậy sớm tập thể dục tay không, kết hợp với tập các loại tạ và dây thun... Còn ở Vân Nam (Trung Quốc), trong những nơi ở chật chội của người dân lại phải hoạt động bí mật ở nhiều địa điểm, Bác Hồ vẫn tập thể dục, vận động thường xuyên kết hợp với dọn dẹp trong nhà, ngoài vườn.
Năm 1941, từ Trung Quốc về Việt Nam, Bác lưu lại trong vùng rừng núi Cao Bằng. Lúc ở hang Pác Bó, lúc ở lán Khuổi Nậm, khi vào vùng rừng núi căn cứ du kích Lam Sơn, bất cứ ở đâu Bác đều duy trì nếp ăn, ở, sinh hoạt, học tập đều đặn.
Bác có thói quen tránh ăn quá no, rèn luyện thân thể vào buổi sáng, không ngủ trưa, và buổi chiều Người đi làm vườn, vác củi cho đồng bào trong xóm... Các vị lão thành cách mạng còn kể lại, thời kỳ chuẩn bị Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 18 năm 1941, sáng nào, Cụ Hồ cũng đi đến các lán gọi mọi người cùng dậy tập thể dục bên dòng Khuổi Nậm, rồi dành một lúc tăng gia và đi tắm suối rồi sau đó mới bắt tay vào công việc nghiên cứu, viết lách tài liệu.
Nhờ rèn luyện sức khỏe thường xuyên như vậy, nên Bác đã qua được cơn hiểm nghèo trong lần ốm nặng trước khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra. Khi về Hà Nội thời kỳ 1945 - 1946, mặc dù công việc quá bề bộn, Bác Hồ vẫn giữ nề nếp dậy sớm tập thể dục.
Nhận rõ tầm quan trọng và thiết thực của TDTT nên trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 30/1/1946 thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh Niên, Người hiểu rõ vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam".
Sắc lệnh số 14 ngày 30/1/1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời VNDCCH v/v thiết lập và tổ chức Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên, Sắc lệnh có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chữ ký của Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền và đại diện các Bộ Nội vụ, Y tế, Tài chính, Quốc gia Giáo dục. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III/ Phủ Thủ tướng
Vào ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh số 33 thành lập Nha Thanh niên - Thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục, là cơ quan tham mưu của Chính phủ về TDTT, điều chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám. Cùng ngày, Báo Cứu quốc đăng bài "Sức khỏe và thể dục" của Người. Bài báo là lời kêu gọi toàn dân tập thể dục. Từ đó, Người chính thức khai sinh ngành TDTT cách mạng nước nhà. Và vào năm 1991, Chính phủ quyết định lấy ngày 27/3 hằng năm là Ngày Thể thao Việt Nam.
Những năm 1957 - 1958, Bác rất thích tập Thái cực quyền. Những đêm trăng, Bác cùng những anh em cảnh vệ thường tập trên sân thượng của Bắc bộ phủ. Sống cùng các chiến sĩ, Bác thường tìm hiểu và tập luyện những bài quyền mới. Bác tập bài mới rất say sưa và chú ý đến từng thế tấn, thế đỡ gạt... Mỗi động tác đều vận gân cốt và tập trung tinh thần, vì vậy Bác đi quyền rất sinh động. Bác cũng rất sốt sắng truyền lại cho các đồng chí của mình những bài quyền mà Bác biết.
Năm 1967, Bác đề xuất với Bộ Chính trị bố trí cho Bác vào Nam thăm đồng bào ruột thịt. Để chuẩn bị cho ý nguyện đó, Bác lên kế hoạch luyện tập sức khỏe hàng ngày bằng cách đi bộ, tập mang ba lô nặng để có thể vượt Trường Sơn. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, thì mỗi ngày Bác đi bộ 5 - 10 km, có hôm đến 20 km, băng rừng, lội suối, vượt sông, vai mang ba lô nặng 25kg…
Khi ngoài 70 tuổi, Bác Hồ vẫn kiên quyết duy trì sức khỏe. Bác bỏ hút thuốc và giữ vững chế độ tập luyện và sinh hoạt hàng ngày. Theo đề nghị của Bác, các đồng chí cảnh vệ mua cho Bác 20 quả bóng quần vợt và cất trong ngăn kéo. Bác đặt một sọt giấy vụn cách bàn làm việc chừng 5m, mỗi khi viết mỏi tay, Bác dừng lại và đứng dậy lấy bóng ném vào sọt, ném tay trái rồi đổi qua tay phải. Bác cho biết tập như vậy để rèn luyện sự điều khiển của thần kinh và tính chính xác của đôi tay.
Bác thường nói: Dưới chế độ dân chủ, thể thao và thể dục phải trở thành hoạt động của đông đảo quần chúng rộng khắp, nhằm mục đích làm tăng cường sức khỏe cho nhân dân. “Nhân dân có sức khỏe thì mọi công việc đều làm được tốt. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”.
Đối với thanh thiếu niên, Bác dạy: “Thanh niên phải rèn luyện TDTT vì thanh niên là tương lai của đất nước…Phải giữ vững đạo đức cách mạng. Phải xung phong trong mọi công tác. Phải học tập chính trị, văn hóa, nghề nghiệp để tiến bộ mãi. Phải rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì mới đủ sức tham gia một cách dẻo dai, bền bỉ những công việc ích nước lợi dân”. Đối với học viên các Trường quân đội, Bác căn dặn: “Các cháu phải ra sức thi đua luyện tập thân thể cho mạnh mẽ, nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo, trau dồi tinh thần cho vững chắc, hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng”. Đối với lực lượng vũ trang, Bác chỉ đạo: “Đẩy mạnh phong trào TDTT trong quân đội, làm cho quân đội chúng ta có thể chất khỏe, tinh thần khỏe để làm tròn mọi nhiệm vụ”.
Bác huấn thị cho các trường học: “Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”; “Thể dục kết hợp với giữ gìn vệ sinh chung và riêng, trí dục, mỹ dục, đức dục”.
Dù là một người lãnh đạo, là người đứng đầu nhà nước nhưng Bác cũng chăm chỉ cần mẫn rèn luyện thể chất như những người bình thường. Chính những hành động đó đã khiến Bác trở nên gần gũi giản dị hơn. Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên một nền thể thao Việt Nam mang tính hiện đại, khoa học, tiên tiến và giàu bản sắc dân tộc, đồng thời thành quả ấy đã tạo nên vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, không chỉ kêu gọi toàn dân rèn luyện sức khỏe, Bác Hồ còn là một tấm gương sáng về tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe một cách tích cực và sáng tạo để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Việc tập luyện thể dục, thể thao của Bác luôn là tấm gương mẫu mực nhất cho chúng ta hôm nay và các thế hệ con cháu noi theo.
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH BẮC NINH
Bản quyền thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh
Địa chỉ: 81 Lê Văn Thịnh, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh
Số điện thoại liên hệ: 0222 3810 215
Email: bantuyengiaotdbn@gmail.com