Thứ Ba, 09/07/2024 15:01
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước ở khu phố Phù Khê, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của gia đình và dòng họ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn có tinh thần rèn luyện và vươn lên không ngừng, là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện cho cán bộ, đảng viên và mọi người noi theo.
Nguyễn Văn Cừ là con thứ 2, trong gia đình có bốn chị em. Vì hoàn cảnh nghèo túng, cha mẹ phải đưa Nguyễn Văn Cừ sang nhà ông ngoại là cụ Nguyễn Thực (còn gọi là cụ Tú Ba) nuôi dạy giúp. Lên 6 tuổi, Nguyễn Văn Cừ được ông dậy chữ nho. Vốn có tư chất thông minh, tiếp thu bài học rất nhanh, lên 8 tuổi, Nguyễn Văn Cừ được ông ngoại cho học chữ quốc ngữ ở trường Tiểu học Từ Sơn. Sau đó, theo học ở trường Kiêm Bị, Bắc Ninh, tốt nghiệp vào loại ưu khi mới 13 tuổi.
Năm 1927, Nguyễn Văn Cừ thi vào trường “bảo hộ” ở Hà Nội (còn gọi là trường Bưởi), là trường học lớn nhất miền Bắc nước ta lúc bấy giờ. Nguyễn Văn Cừ đỗ loại giỏi, nên được nhà trường cấp học bổng toàn phần và ở ký túc xá, là học sinh xuất sắc và tích cực tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh lúc bấy giờ. Năm 1928, khi đang học năm thứ hai, vì tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng, Nguyễn Văn Cừ bị trường đuổi học.
Trở về quê, Nguyễn Văn Cừ vừa dạy học, vừa kiếm sống, tham gia hoạt động cách mạng. Nguyễn Văn Cừ nhận nhiệm vụ đi “vô sản hoá” ở mỏ Vành Danh-Hòn Gai, nơi có nhiều khó khăn gian khổ nhất. Tại đây, đồng chí đi sâu, đi sát công nhân gây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức các hoạt động đấu tranh. Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên của Đảng.
Tháng 2-1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Chúng dụ dỗ, tra tấn dã man song không khuất phục được ý chí sắt đá của Nguyễn Văn Cừ. Không làm gì nổi, chúng đưa đồng chí vào nhà tù Hoả Lò (Hà Nội) để chờ ngày ra Toà xét xử. Tại đây, Nguyễn Văn Cừ đã gặp đồng chí Trường Chinh, Bùi Xuân Mẫn và một số chiến sỹ cách mạng khác. Say sưa học tập và đọc những tài liệu mà anh em cộng sản đã được học, đồng chí nghiên cứu lý luận và tác phẩm Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc; đọc kỹ bản Luận Cương chính trị của Đảng do đồng chí Trần Phú- Tổng Bí thư khởi thảo, được Ban Chấp hành Trung ương thông qua tháng 10-1930 tìm mọi cách truyền đạt cho những đồng chí của mình và các bạn tù khác.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: K.T
Ngày 13-5-1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Văn Cừ ra tòa Đại hình xét xử. Mặc dù không có đủ bằng chứng nhưng tòa án vẫn kết tội mức án khổ sai chung thân và đầy đi Côn Đảo. Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp giam ở Banh 2, nơi chuyên giam tù chính trị mà thực dân Pháp liệt vào loại “tội” nặng nhất. Tại đây, Nguyễn Văn Cừ gặp nhiều đồng chí cộng sản tiêu biểu như: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang, Khuất Duy Tiến...
Với khẩu hiệu biến nhà tù đế quốc thành trrường học cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các chiến sĩ cách mạng vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, say mê nghiên cứu, học tập lý luận cách mạng. Đồng chí được nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, như: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Hai sách lược của Đảng”, “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào công nhân”, “Nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin”.... Đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn chịu khó học tiếng Pháp để có thể trực tiếp đọc được các loại kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin và dịch ra tiếng Việt, chép ra cho anh em khác học tập. Bản Luận Cương chính trị của Đảng mà đồng chí thuộc lòng khi con ở nhà tù Hỏa Lò được chép lại để làm tài liệu cho việc học tập và giảng dạy. Chính sự nỗ lực phi thường này nên khi được trả tự do (1936), đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những cống hiến xuất sắc cho Đảng và cách mạng; được tổ chức tin cậy giao nhiều trọng trách.
Tháng 3-1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi. Tháng 7-1939, đồng chí viết tác phẩm “Tự chỉ trích” để đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, thực hiện đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng. Cống hiến lớn nhất, tiêu biểu nhất của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là chuẩn bị và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939, quyết định thay đổi chiến lược cách mạng nước ta, coi trọng vấn đề khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, tạo ra cục diện phát triển mới, tạo tiền đề dẫn đến thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ngày 18-1-1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt. Chúng dùng mọi thủ đoạn dã man tra tấn nhưng vẫn không khai thác được gì. Ngày 26-8-1941, đồng chí bị thực dân Pháp xử bắn.
Hơn 13 năm hoạt động cách mạng, 12 tuổi Đảng, hơn hai năm ở cương vị Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi mới 29 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện, cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Học tập, noi theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; mỗi cán bộ, đảng viên ra sức cần không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, cách mạng, nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, lao động sản xuất, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH BẮC NINH
Bản quyền thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh
Địa chỉ: 81 Lê Văn Thịnh, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh
Số điện thoại liên hệ: 0222 3810 215
Email: bantuyengiaotdbn@gmail.com