Thanh niên khó tiếp cận vốn vay ưu đãi
Anh Trần Minh Hiếu chăm sóc vườn lan của gia đình.
Những năm gần đây, từ các nguồn vốn vay ưu đãi được ủy thác qua tổ chức Đoàn, không ít thanh niên có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, không phải thanh niên nào cần vốn làm ăn cũng được tiếp cận các nguồn vốn này.
Trước đây, gia đình anh Trần Minh Hiếu, ở ấp An Lạc (xã An Nhứt, huyện Long Điền) thuộc diện hộ nghèo, việc trồng lan nhọc nhằn lắm cũng không đủ chi tiêu sinh hoạt gia đình. Đầu năm 2011, nhờ Xã Đoàn An Nhứt giới thiệu, anh Hiếu được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có tiền, anh Hiếu đầu tư khoan giếng nước, mua hạt giống, cây giống và máy móc phục vụ sản xuất để ươm giống hoa lan. “Từ khi được vay vốn, việc trồng trọt và chăm sóc các loại hoa lan của gia đình tôi gặp thuận lợi hơn rất nhiều” - anh Hiếu cho biết. Nhờ có điều kiện sản xuất, cùng với sự cần cù, chịu khó, gia đình anh Hiếu đã dần ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Không chỉ có tiền trả ngân hàng, anh Hiếu còn mua thêm hơn 1.000m2 đất mở rộng quy mô sản xuất chỉ sau 2 năm làm ăn. Giờ đây, vườn lan của anh Hiếu đã có diện tích hơn 2.000m2, với giá bán sỉ từ 150-200 ngàn đồng/cây, sau khi trừ tất cả các chi phí, vườn lan mang lại cho gia đình anh Hiếu nguồn thu nhập hơn100 triệu đồng/năm.Không chỉ có anh Hiếu, còn nhiều thanh niên khác cũng đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi. Và có thể nói, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua tổ chức Đoàn đã góp phần giúp thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và thực hiện có hiệu quả vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Tuy nhiên, không phải thanh niên nào cũng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tính đến ngày 31-3-2016, tổng dư nợ do Đoàn Thanh niên quản lý ở mức hơn 134 tỷ đồng trên tổng số 169 tổ vay vốn của 82 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Có 3 dự án thanh niên được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn (gọi tắt là kênh 120) với 220 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ vốn không lãi của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng chỉ hỗ trợ cho 3 thanh niên với số tiền 50 triệu đồng/người.
Để được vay 100 triệu đồng là cả một vấn đề đối với anh Lương Văn Châu, ở thôn Hiệp Long (xã Kim Long, huyện Châu Đức) bởi lâu nay, các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu dành cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, còn hỗ trợ thanh niên rất hạn chế. Thông qua kênh vay vốn thanh niên, mỗi người chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng, số tiền trên chỉ đủ để xây dựng chuồng trại, hoặc mua con giống với số lượng nhỏ nên rất khó để thanh niên phát triển kinh tế.
Muốn vay vốn từ 50 triệu đồng trở lên, thanh niên phải chứng minh được tính khả quan từ mô hình kinh tế của mình, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại hoặc phải có tài sản bảo đảm thế chấp. Trong khi đa số ĐVTN còn sống phụ thuộc vào gia đình, một số trường hợp tách hộ khẩu ra ở riêng, tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp nên không có tài sản để thế chấp. “Với 30 triệu đồng vay được cũng chỉ đáp ứng được một nửa số vốn theo tính toán đầu tư, tôi rất muốn vay thêm nhưng không có tài sản thế chấp nên đành chịu, đó là một cản trở lớn với ý tưởng phát triển mô hình nuôi dê của tôi” - anh Châu chia sẻ.
Tuy chưa có cuộc khảo sát nào về nhu cầu vay vốn của thanh niên, nhưng trên thực tế, thanh niên có nhu cầu vay vốn như anh Châu không phải ít. “Do không vay được vốn nên nhiều bạn trẻ phải chấp nhận phương án làm ăn nhỏ, khả năng tới đâu làm tới đó, điều này làm ảnh hưởng đến việc thành lập mô hình mới, mở rộng quy mô, hạn chế hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh” - chị Phan Thị Phúc, Bí thư Xã Đoàn Kim Long (huyện Châu Đức) bày tỏ.
Còn Quỹ quốc gia về việc làm (kênh 120) của Trung ương Đoàn chỉ tập trung cho hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh chứ không giải ngân cho các dự án trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ của thanh niên nông thôn. Muốn tiếp cận vốn vay không lãi từ Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, ĐVTN cũng phải có hoạch định rõ ràng, chứng minh được hiệu quả của mô hình kinh tế. “Chính những quy định trên mà nhiều thanh niên không đủ điều kiện để vay vốn ưu đãi” - anh Hoàng Hồ Long, Phó Bí thư Xã Đoàn Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) chia sẻ.
Chị Võ Ngọc Thanh Trúc, Bí thư Tỉnh Đoàn bày tỏ mong muốn rằng: Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các cơ sở Đoàn xem xét có mức vốn vay phù hợp với từng loại hình kinh tế để giúp thanh niên có cơ hội làm giàu. Cùng với đó, bản thân các bạn trẻ cần mạnh dạn, táo bạo hơn nữa trong phát triển kinh tế, nhân rộng các mô hình điển hình để có đủ điều kiện tham gia vay vốn kênh 120 và nhận được sự trợ giúp của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh một cách dễ dàng hơn.
Nguồn:bariavungtau.com.vn