BẢN TIN THANH NIÊN THÁNG 6/2016 SỐ 40
BÌA 1: : HÀNH TRÌNH TUỔI TRẺ BẮC NINH VỚI BIỂN, ĐẢO QUÊ HƯƠN
BÌA 2: SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG hưởn ứng CHIẾN DỊCH THANH NIÊN TÌNH NGUYỆN HÈ 2016.
BÌA 3: Phóng sự ảnh: SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 126 NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 -19/5/2015).
BÌA 4: Phóng sự ảnh: SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH (15/5/1941 – 15/5/2016).
I. TUỔI TRẺ - QUÊ HƯƠNG - ĐẤT NƯỚC
1. Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng.
2. Đa dạng hóa các hoạt động, sân chơi dịp hè cho thiếu nhi vùng nông thôn
II. XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐOÀN - HỘI - ĐỘI
- 1. Sổ tay Báo cáo viên
- 2. Điểm tin hoạt động tháng 5/2016
- 3. Nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2015
- 4. Chuyên đề: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM
- 5. Định hướng sinh hoạt Chi đoàn tháng 6/2016
III. THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG ĐIỂN HÌNH
- 1. Chàng Thanh niên không thích làm thuê – Anh Sơn.
- 2.
IV. VĂN HOÁ - XÃ HỘI - THANH NIÊN
- 1. Thơ
- 2. Thông tin tuyển dụng
I - TUỔI TRẺ - QUÊ HƯƠNG - ĐẤT NƯỚC
Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng
Trong suốt cuộc đời, Bác Hồ luôn dành một phần trái tim mình cho thiếu nhi Việt Nam và các cháu nhỏ trên toàn thế giới. Tình thương yêu bao la của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng được thể hiện sâu sắc, phong phú, sinh động ở cả lời nói và việc làm, nhất là ở những lá thư Bác gửi cho các cháu vào dịp Tết Trung thu và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hằng năm.
(ảnh 01)
Bác Hồ đã "đi xa" 47 năm, song đọc lại những lá thư ấy, chúng ta bồi hồi xúc động, hiểu hơn những tình cảm sâu nặng, thiết tha của Bác đối với các cháu nhỏ. Trong thư gửi các cháu thiếu nhi nhân Tết Trung thu năm 1945, Bác viết: "Các cháu vui cười hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười hớn hở với các cháu. Đố các cháu biết vì sao? Một là vì Bác rất yêu mến các cháu; Hai là vì Trung thu năm ngoái nước ta còn bị áp bức, các cháu còn là một bầy nô lệ trẻ con, mà Trung thu năm nay, nước ta đã tự do, các cháu đã trở thành những tiểu chủ nhân của một nước độc lập". Trong lá thư lịch sử này, Bác đã khéo léo gắn kết tình thương yêu con trẻ với niềm tự hào lớn lao khi đất nước giành lại được độc lập, tự do. Thư gửi các cháu thiếu nhi nhân Trung thu năm 1951, Bác đã tâm sự:
"Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung".
Nét đặc sắc trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ ở những dòng tình cảm thiết tha, khi Bác đã coi các cháu nhi đồng là những người bạn thân thương, gần gũi để dãi bày tâm sự. Vẫn với những rung động cảm xúc chân thành, Trung thu năm 1952, Bác tâm tình:
"Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành".
Ở những dòng thư dịu dàng, đằm thắm này, Bác Hồ không chỉ vui mừng, tự hào về lớp lớp măng non Việt Nam sống trong chế độ mới luôn xinh xắn, ngoan ngoãn, giỏi giang, mà Bác còn khẳng định, Bác là người yêu quý các cháu nhi đồng nhiều nhất. Chính tình thương yêu bao la đó đã nâng tầm vĩ đại của Bác, làm cho mỗi cháu nhỏ, mỗi chúng ta ngày càng kính yêu, tin tưởng và trân trọng Bác nhiều hơn.
Đặc biệt, những năm cuối đời, Bác luôn da diết nhớ tới đồng bào miền Nam ruột thịt, trong đó có nỗi nhớ vô hạn đối với thiếu niên, nhi đồng miền Nam. Trong hoàn cảnh kháng chiến cam go, ác liệt, thiếu nhi miền Nam phải chịu bao đau thương, tang tóc dưới ách xâm lược của đế quốc Mỹ. Bác Hồ luôn lạc quan, tin tưởng sắt đá nhân dân ta nhất định thắng, Nam - Bắc nhất định thống nhất, Bác nhất định sẽ được gặp các cháu thiếu nhi miền Nam vô cùng yêu quý của mình. Để khẳng định điều này, trong thư gửi thiếu nhi miền Nam nhân dịp Tết Trung thu năm 1965, Bác nhấn mạnh:
“Bắc Nam sẽ xum họp một nhà,
Bác cháu ta họp mặt, trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng,
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi".
Mặc dù điều mong ước được gặp thiếu nhi miền Nam của Bác không trở thành hiện thực, song nhân dân ta đã hoàn toàn chiến thắng; Tổ quốc ta đã độc lập, tự do, thống nhất; Các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đã được sống trong hòa bình, hạnh phúc, tương lai tươi sáng hơn…
Tình thương yêu sâu nặng của Bác Hồ không chỉ dành cho thiếu nhi Việt Nam, mà còn dành cho thiếu nhi thế giới.
Trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước, đã có biết bao thiếu nhi Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, Tiệp Khắc, Ba Lan… đã được Bác Hồ dành cho những tình cảm chân thành từ những món quà, lời thăm hỏi, động viên, và những cái ôm hôn thắm thiết. Ngày 7-2-1958, hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Độ đồng diễn chào mừng Bác Hồ tới thăm. Các em phấn khởi hô vang "Cha, cha Hồ" (Bác Hồ). Đây là điều rất đặc biệt. Bởi vì, chỉ có 2 người được thiếu nhi Ấn Độ gọi là Bác, đó là "Bác Nê-ru" và "Bác Hồ".
Khi đến thăm trại thiếu thi Tiệp Khắc gần Pra-ha, Bác Hồ đã có một cuộc đối thoại hết sức sinh động, vui vẻ với các cháu:
"- Các cháu có biết Bác là ai không?
- Ano! (có ạ). Strycek Hồ! (Bác Hồ).
- Bác từ nước nào đến?
- Việt Nam!
- Các cháu có yêu học tập không?
- Ano!
- Có yêu lao động không?
- Ano!
- Bác Hồ rất yêu các cháu. Các cháu có yêu Bác Hồ không?
- Ano... Ano!...".
Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng tình thương yêu giữa Bác Hồ đối với thiếu nhi và giữa thiếu nhi đối với Bác Hồ vẫn còn mãi. Đó là tình cảm sâu sắc, thân thiết và cao đẹp vô cùng. Để đền đáp công ơn trời biển và tình thương yêu lớn lao, cao quý của Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hôm nay phải luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, luôn chăm học, chăm làm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, tích cực công tác Đội, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiep Thiết kế nội thất phòng ngủ đẹp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
PGS, TS. Hà Huy Thông –Ban TG(st).
Đa dạng hóa các hoạt động, sân chơi dịp hè cho thiếu nhi vùng nông thôn
Mỗi dịp hè đến, đó là quãng thời gian cho các em thiếu nhi tạm gác lại bút vở nơi mái trường, ghi lại những dấu ấn tuổi thơ của mùa phượng nở, của tiếng ve kêu râm ran. Nhưng đó cũng là nỗi lo của các phụ huynh, các gia đình khi nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn còn hạn chế về các điều kiện, sân chơi tập thể cho thiếu nhi. Dưới đây là một vài suy nghĩ, cũng là mong muốn, ước vọng của nhiều em khi mỗi dịp hè đến.
Em muốn cha mẹ không phải lo lắng mỗi khi hè đến
(Nguyễn Anh Tuấn, 13 tuổi, thôn Ngọc Trì, xã Bình Định (Lương Tài)
(Ảnh 02)
Mỗi dịp hè của chúng em khoảng 2 tháng. Nhưng như năm nay chuẩn bị lên lớp 9 thì thời gian cũng bị thu hẹp hơn do chuẩn bị kiến thức cho năm học cuối cấp. Vì thời gian ít như vậy, nên em và các bạn cùng thôn, cùng lớp luôn mong muốn được thỏa sức trong dịp hè. Chúng em thường được anh chị của Chi Đoàn thôn tổ chức tham gia một vài hoạt động tâp thể như dọn vệ sinh môi trường quanh các xóm, sinh hoạt hè tại nhà văn hóa thôn. Chúng em cũng tự tổ chức đá bóng, chơi cầu lông, cùng các bạn rủ nhau đi bơi ở một số ao, hồ quanh thôn.
Thỉnh thoảng mỗi dịp có công việc riêng, bố cũng cho em lên thành phố Bắc Ninh chơi, cùng các bạn ở trường tham gia một số cuộc thi ở Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh. Em thấy ở đây có bể bơi, nhiều lớp học cho các bạn về rèn luyện kỹ năng sống, thể dục thể thao như võ thuật, múa hát, nhất là lớp “Học kỳ quân đội”. Được xem trên tivi, em thấy các bạn được học tập, rèn luyện tác phong, nề nếp như trong quân đội. Em ước mong được một lần tham gia lớp học. Em cũng mong muốn ở địa phương có các hoạt động tập thể để mỗi chúng em có được sân chơi lành mạnh, để cha mẹ không phải lo lắng khi mỗi dịp hè đến.
Em muốn được tham gia cắm trại, học bơi
Ngô Thị Hồng Ánh, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn)
(Ảnh 03)
Gia đình em ở ngay công viên, khu văn hóa của thôn, nên vào dịp hè cũng có một số dịch vụ seo vụ như đu quay, nhà hơi, nhà bóng... Có dịp cuối tuần, em được mẹ cho đi siêu thị và tham gia một số trò chơi. Nhưng đó chủ yếu là những hoạt động, trò chơi cho các em nhỏ tuổi. Các hoạt động để chúng em rèn luyện kỹ năng ngoài các kiến thức sách vở được học tại trường như sinh hoạt cắm trại hè, học bơi, học múa, tự tin giao tiếp, nói chuyện trước đám đông…vẫn còn thiếu hoặc chưa có.
Chị em học lớp trên và kể chuyện dịp hè này, các anh chị trong toàn trường sẽ được nhà trường tổ chức đi cắm trại dã ngoại, ở đó sẽ có nhiều hoạt động thật thú vị như đốt lửa lại, tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đập niêu, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố… Em mong muốn có nhiều hoạt động tập thể như trại hè, văn hóa văn nghệ, lớp học bơi ngay tại địa phương để cho chúng em được tham gia.
Thành lập các câu lạc bộ theo sở thích
(Thái Minh Thư, khu 5, thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ)
(ảnh 04)
Em luôn nghĩ nghỉ hè là quãng thời gian đẹp nhất, là thoải mái nhất để cùng với bạn bè có nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn. Ở địa phương năm nào cũng vậy em cùng các bạn được tham gia trại hè, luân phiên 1 năm của thị trấn Phố Mới và 1 năm là tổ chức trại hè cho thiếu nhi toàn huyện Quế Võ. Ở đó, chúng nhiều được tham gia nhiều hoạt động như thi Nghi thức Đội, văn nghệ, tham gia trò chơi dân gian, thi dựng trại nhanh, trại đẹp. Đây là điều kiện thuận lợi cho chúng em có không gian sinh hoạt tập trung.
Tuy nhiên, em thấy ở địa phương có nhiều bạn tham gia nhóm theo sở thích ví dụ như nhóm học tiếng anh, nhóm học toán, nhóm văn hóa văn nghệ…nhưng mang tính tự phát, nên hiệu quả không cao. Vì thế em mong muốn các anh chị tổ chức Đoàn, Đội, thầy cô giáo ở địa phương quan tâm tổ chức cho chúng em sinh hoạt thành các câu lạc bộ theo sở thích, thế mạnh riêng, như vậy việc học tập, rèn luyện sẽ được nâng cao và thu hút đông đảo các bạn tham gia hơn.
Có nhiều lớp học rèn luyện kỹ năng sống cho chúng em lựa chọn
(Nguyễn Trọng Duy, thôn Ngọc Lộ, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành)
(ảnh 05)
Vào dịp hè, em thường tham gia cùng các bạn ở thôn tổ chức đá bóng, chơi cầu lông tại khu vực nhà văn hóa của thôn và của xã Trạm Lộ. Thỉnh thoảng em cũng được bố mẹ cho đi bơi tại bể bơi dịch vụ của một gia đình ở xã. Tuy nhiên đó chỉ là số ít, em thấy vẫn còn nhiều bạn ở địa phương dịp hè thiếu không gian chơi hoặc có nguyện vọng được tham gia các lớp rèn luyện lỹ năng như học võ, học bơi, múa lân sư rồng…nhưng không có. Em thấy nhiều bạn vì thiếu những hoạt động tập thể nên thường rủ nhau tham gia các trò chơi điện tử, tắm sông, ao hồ, đùa nghịch trên đường, rất không tốt và nguy hiểm.
Em mong muốn ở mỗi địa phương, đặc biệt là những địa bàn nông thôn sẽ được quan tâm, đưa và đa dạng hóa các lớp học rèn luyện kỹ năng sống cho các bạn thiếu nhi như chúng em lựa chọn, học tập.
Xuân Me
II. XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐOÀN – HỘI - ĐỘI
SỔ TAY BÁO CÁO VIÊN
Kỹ năng sống cho thanh niên
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội dành cho thanh niên. Một trong những hạn chế của thanh thiếu niên Việt Nam so với các nước tiến bộ đó là kỹ năng này. Có thể các em rất giỏi kiến thức xã hội, giỏi các môn tự nhiện nhưng khi được giao việc cụ thể; tham gia tranh luận một vấn đề thì trở nên lúng túng. Nhất là khi các em được tín nhiệm trở thành thủ lĩnh của một nhóm, một CLB đội nhóm hay cao hơn là một doanh nghiệp, một đơn vị hoặc một tổ chức. Chúng ta luôn hay đánh đồng một học sinh giỏi toán lý hóa là một học sinh giỏi... Xin giới thiệu với các em về kỹ năng sống và làm việc dành cho thanh thiếu niên.
Sự cần thiết của những kỹ năng sống:
Hiện nay thanh, thiếu nhi đang phải đương đầu với những vấn đề chủ yếu: Những khó khăn, thách thức trong cuộc sống, những tác động tiêu cực của các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý, nghiện các loại hình văn hóa ảo có hại như game online.
Để vượt qua được những vấn đề trên thanh, thiếu nhi cần phải được cung cấp thông tin, kiến thức, học hỏi để có những kỹ năng sống cần thiết. Đó là biết cách giao tiếp, ứng xử, phải biết đáng giá bản thân, biết xác định giá trị để đạt mục tiêu cho từng giai đoạn của cuộc sống; Có chính kiến để đưa ra những quyết định phù hợp và kiên định mục tiêu đã đặt ra. Do vậy những nhóm kỹ năng sau đây sẽ giúp thanh, thiếu nhi ứng phó với những thách thức của cuộc sống:
Ý nghĩa của việc học tập những kỹ năng sống
Kỹ năng sống là cách ứng xử tích cực, cần thiết để có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh và hiệu quả. Giáo dục kỹ năng sống có tác dụng nâng cao nhận thức, trang bị thái độ sống và hành vi tích cực, lành mạnh cho thanh thiếu niên. Vì vậy, giáo dục kỹ năng sống là một hình thức can thiệp sớm, có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa những hành vi lệch lạc của trẻ em, thanh niên.
Kỹ năng sống là cách ứng xử tích cực, cần thiết để có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh và hiệu quả. Theo tổ chức y tế thế giới (WHO 2003), đó là kỹ năng mang tính tâm lí xã hội, là các khả năng thích ứng và là hành vi tích cực cho phép các cá nhân giải quyết có hiệu quả nhu cầu và thách thức trong cuộc sống hàng ngày.
Kỹ năng sống cần thiết cho mọi người, đặc biệt là trẻ vị thành niên và thanh niên. Nó giúp cho những người trẻ tuổi thể hiện kiến thức, thái độ và các giá trị, hành vi lành mạnh nhằm giảm thiểu các nguy cơ có hại cho sức khỏe và cải thiện cuộc sống của mình, chẳng hạn, biết đặt mục tiêu cho cuộc sống, thể hiện sự kiên định trước những cám dỗ không có lợi cho sức khỏe như sử dụng ma túy.
Những năm gần đây, kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, những can thiệp dựa trên giáo dục kỹ năng sống giúp cho việc thay đổi hành vi đạt hiệu quả cao hơn so với các phương pháp tiếp cận chỉ cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức. Nhiều chương trình kỹ năng sống đã tạo ra được hiệu quả sau:
Giảm thiểu các hành vi bạo lực.
Gia tăng hành vi ủng hộ xú hội.
Giảm thiểu hành vi tiêu cực, tự vẫn.
Nâng cao khả năng lập kế hoạch và lựa chọn các giải pháp hiệu quả.
Nhận thức bản thân, ý thức về bản thân. Nâng cao khả năng điều chỉnh thái độ và cảm xúc.
Có khả năng làm chủ bản thân và giải quyết các vấn đề giữa các cá nhân và kiểm soát sự lo âu.
Cải thiện khả năng giải quyết mâu thuẫn, xung đột đối với những người cùng trang lứa và những người xung quanh.
Tăng khả năng kiểm soát những cơn “bốc đồng” và tính nóng này.
Hạn chế việc sử dụng rượu và ma túy.
Kỹ năng sống được truyền đạt chủ yếu bằng các phương pháp trải nghiệm như đóng vai, thảo luận nhóm, thực hành giải quyết tình huống, hỏi đáp, trò chơi… Nhờ đó, học viên có tâm trạng thoải mái, cởi mở, hào hứng dễ tiép thu bài. Việc giáo dục được thực hiện theo nguyên tắc: “Mưa dầm thấm lầu”, không ép buộc, nhồi nhét cấp tập, khuyến khích áp dụng ngay trong đời sống hàng ngày ở gia đình và nhà trường.
Ở Việt Nam, những năm gần đây, việc giáo dục kỹ năng sống ngày càng được nhân rộng cả về phạm vi địa lý cả về nội dung chương trình và bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận.
CÁC KỸ NĂNG CẦN THIẾT
+ Kỹ năng làm việc theo nhóm.
+ Kỹ năng quản lý thời gian.
+ Ngoại ngữ.
+ Kỹ năng giao tiếp và nhận thức.
+ Kỹ năng thiết lập mục tiêu.
+ Kỹ năng thay đổi hành vi.
1. Kỹ năng làm việc theo nhóm
Nhóm làm việc là gì?
· Một nhóm người làm việc trong cùng một văn phòng hay thậm chí một dự án chung không phải lúc nào cũng tiến hành công việc của một nhóm làm việc. Nếu nhóm đó được quản lý theo kiểu chuyên quyền độc đoán hoàn toàn, có lẽ sẽ không có nhiều cơ hội cho sự tác động qua lại liên quan đến công việc giữa các thành viên trong nhóm. Nếu có bất kỳ tư tưởng bè phái nào trong nhóm, hoạt động của nhóm sẽ không bao giờ tiến triển được. Ngược lại, nhóm làm việc là phương thức có thể được tận dụng dù với những cá nhân ở những khoảng cách xa làm việc ở những dự án khác nhau.
· Nói một cách đơn giản, nhóm làm việc tạo ra một tinh thần hợp tác, phối hợp, những thủ tục được hiểu biết chung và nhiều hơn nữa. Nếu điều này diễn ra trong một nhóm người, hoạt động của họ sẽ được cải thiện bởi sự hỗ trợ chung (cả về thực tế lẫn lý thuyết). Nếu bạn cho rằng đây là một định nghĩa không rõ ràng khi áp dụng vào thế giới công nghiệp, hãy xem xét hiệu quả ngược lại, cái mà một người khó tính, cứng đầu nhưng hay phát biểu tác động lên công việc của bạn; sau đó đặt nó tương phản với việc được làm việc trong một không khí hợp tác thân thiện và cởi mở.
Phát triển nhóm
· Thông thường, người ta coi sự phát triển của một nhóm có 4 giai đoạn: Hình thành, Xung đột, Bình thường hóa, Vận hành.
· Hình thành là giai đoạn nhóm được tập hợp lại. Mọi người đều rất giữ gìn và rụt rè. Sự xung đột hiếm khi được phát ngôn một cách trực tiếp, chủ yếu là mang tính chất cá nhân và hoàn toàn là tiêu cực. Do nhóm còn mới nên các cá nhân sẽ bị hạn chế bởi những ý kiến riêng của mình và nhìn chung là khép kín. Điều này đặc biệt đúng đối với một thành viên kém quan trọng và lo âu quá. Nhóm phần lớn có xu hướng cản trở những người nổi trội lên như một người lãnh đạo.
· Xung đột là giai đoạn tiếp theo. Khi đó, các bè phái được hình thành, các tính cách va chạm nhau, không ai chịu lùi một bước trước khi giơ nanh múa vuốt. Điều quan trọng nhất là rất ít sự giao tiếp vì không có ai lắng nghe và một số người vẫn không sẵn sàng nói chuyện cởi mở. Sự thật là, sự xung đột này dường như là một thái cực đối với nhóm làm việc của bạn nhưng nếu bạn nhìn xuyên qua cái bề ngoài tử tế và thấy được những lời mỉa mai, công kích, ám chỉ, có thể bức tranh sẽ rõ hơn.
· Sau đó là giai đoạn bình thường hóa. Ở giai đoạn này, nhóm bắt đầu nhận thấy những lợi ích của việc cộng tác cùng với nhau và sự giảm bớt xung đột nội bộ. Do một tinh thần hợp tác mới hiện hữu, mọi thành viên bắt đầu cảm thấy an toàn trong việc bày tỏ quan điểm của mình và những vấn đề này được thảo luận cởi mở bên với toàn bộ nhóm. Sự tiến bộ lớn nhất là mọi người có thể bắt đầu lắng nghe nhau. Những phương pháp làm việc được hình thành và toàn bộ nhóm đều nhận biết được điều đó.
· Và cuối cùng là giai đoạn hoạt động trôi chảy. Đây là điểm cao trào, khi nhóm làm việc đã ổn định trong một hệ thống cho phép trao đổi những quan điểm tự do và thoải mái và có sự hỗ trợ cao độ của cả nhóm đối với mỗi thành viên và với các quyết định của nhóm.
· Theo khía cạnh hoạt động, nhóm bắt đầu ở một mức độ hoạt động nhỏ hơn mức hoạt động của mọi cá nhân cộng lại và sau đó đột ngột giảm xuống điểm thấp nhất trước khi chuyển sang giai đoạn Bình thường hoá và sau đó là một mức độ hoạt động cao hơn nhiều so với lúc mới bắt đầu. Chính mức độ hoạt động được nâng lên này là lý do chính giải thích cho việc sử dụng nhóm làm việc chứ không phải đơn thuần là những tập hợp các nhân viên.
(Còn nữa)
SÔI NỔI CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 104 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ (09/7/1912 – 09/7/2016) VÀ 69 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 – 27/7/2016)
* Gặp mặt Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh và tuyên dương đội viên, Tổng phụ trách Đội tiêu biểu: Tại lễ kỷ niệm, đại biểu và các em thiếu niên, nhi đồng đã gặp gỡ, giao lưu với bác Lê Thanh Đạo - Nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội trung ương nhiệm kỳ đầu tiên, giao lưu với giáo viên Tổng phụ trách Đội, các bạn đội viên tiêu biểu; Cùng ôn lại truyền thống 75 năm chặng đường lịch sử vẻ vang của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và những đóng góp to lớn của Đội TNTP Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cùng với cả nước, công tác Đội và phong trào thiếu nhi của tỉnh đã đạt được những thành tích quan trọng, có nhiều phong trào nổi bật như: “Vì đàn em thân yêu”; “Thiếu nhi Bắc Ninh thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”; “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Bắc Ninh”, phong trào “Nghìn việc tốt” ... Qua đó, góp phần giáo dục, rèn luyện, bồi đắp lý tưởng, niềm tự hào cho Đội viên, tổng phụ trách Đội phấn đấu không ngừng trong học tập, cuộc sống, là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. Nhân dịp này, Tỉnh Đoàn đã trao tặng Bằng khen cho 8 Tổng phụ trách Đội, 16 đội viên tiêu biểu của tỉnh có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào công tác Đội và phong trào thiếu nhi của tỉnh trong những năm qua.
* Ra quân Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2016: Tại Ngày hội, 300 đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của 2 xã Lạc Vệ và Tân Chi đã được các y, bác sỹ của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tư vấn, khám các bệnh như: Huyết áp, tim mạch, phổi, mắt, tiểu đường, tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt…Qua đó giúp các đối tượng chính sách, trẻ em kịp thời phát hiện những bệnh lý và điều trị. Nhân dịp này, Tỉnh Đoàn, Hội LHTN tỉnh, Sở Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đã trao tặng 300 suất thuốc cho 300 đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; Tỉnh Đoàn tặng 10 suất quà (tổng trị giá 5 triệu đồng) cho 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của 2 xã Lạc Vệ và Tân Chi; Tỉnh Đoàn trao tượng trưng cho Huyện Đoàn Tiên Du 1500 “Bình hoa tri ân” để gắn trên các phần mộ Liệt sỹ tại các Nghĩa trang Liệt sỹ trong toàn huyện; Khánh thành công trình thanh niên “Bình hoa tri ân” tại xã Lạc Vệ. Cùng ngày, tất cả các đơn vị Huyện, Thị, Thành Đoàn, Hội LHTN, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - Tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2016, tiểu biểu như huyện đoàn Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du... Đây là một trong những hoạt động của tuổi trẻ tỉnh nhân dịp kỷ niệm 126 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2016).
* Hội thi Tin học trẻ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XIII năm 2016: Tham gia Hội thi có 95 thí sinh là cán bộ, công chức trẻ và học sinh khối THPT, THCS, Tiểu học được lựa chọn từ Hội thi cấp huyện, thị xã, thành phố. Đối với khối học sinh, các thí sinh tham gia 02 phần thi: Phần thi chung và phần mềm sáng tạo. Trong phần thi chung, các thí sinh thi trắc nghiệm và thực hành về máy tính, phần mềm vi tính, tạo tệp trình diễn có chèn tranh, ảnh tự vẽ và giải các bài toán sử dụng bộ dịch Free Pascal, thi phần mềm sáng tạo do thí sinh tự làm trước, phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập vui chơi, giải trí, khuyến khích các thí sinh làm phần mềm sáng tạo dự thi về đề tài bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông…Đối với khối cán bộ, công chức trẻ, ngoài phần thi trắc nghiệm, các thí sinh thi thực hành sử dụng các phần mềm, kỹ năng công nghệ thông tin để viết báo cáo, thống kê, tổng hợp số liệu và thi ý tưởng, giải pháp sáng tạo phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan Nhà nước. Kết thúc, Ban Tổ chức đã trao: Giải Nhất khối Tiểu học cho thí sinh Lê Quý Thành (đơn vị huyện Quế Võ); Giải Nhất khối THCS cho thí sinh Vũ Anh Đức (đơn vị huyện Quế Võ); Giải Nhất khối THPT cho thí sinh Nguyễn Huy Khôi, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh; Giải Nhất khối cán bộ, công chức trẻ tỉnh cho 3 thí sinh là Nguyễn Công Anh (Văn phòng UBND xã Hoàn Sơn), Nguyễn Mạnh Quý (Chuyên viên LĐLĐ Thị Xã Từ Sơn), Nguyễn Hữu Hiếu (Phòng tổ chức biên chế - Sở Nội Vụ). Ngoài ra Ban tổ chức đã trao 9 giải Nhì, 12 giải Ba, 19 giải Khuyến khích cho các thí sinh đạt giải, trao giải phụ cho phần thi phần mềm sáng tạo và đơn vị tổ chức tốt Hội thi ở cấp cơ sở.
* Sân chơi “Măng non Kinh Bắc - Tự hào trang sử quê hương” tỉnh Bắc Ninh lần thứ II, năm học 2015 - 2016: Tham dự chung kết Sân chơi “Măng non Kinh Bắc - Tự hào trang sử quê hương” tỉnh Bắc Ninh lần thứ II có 80 học sinh xuất sắc đến từ các Liên đội khối THCS của 8 huyện, thị xã, thành phố. Các học sinh phải trải qua 40 câu hỏi với 4 phần thi chính: Theo dòng lịch sử; Danh nhân Kinh Bắc; Di tích lịch sử, di sản văn hóa; Măng non Kinh Bắc - Tiếp bước cha anh. Nội dung các câu hỏi xoay quanh các kiến thức về Đảng, Bác Hồ, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lịch sử, truyền thống, danh nhân, địa danh nổi tiếng của quê hương Kinh Bắc, sự đổi mới của tỉnh Bắc Ninh từ ngày tái lập đến nay…Kết thúc, Ban tổ chức trao giải Nhất cho học sinh Thái Minh Thư, lớp 8B, trường THCS Nguyễn Cao - Quế Võ; 02 giải Nhì, 02 giải Ba và 06 giải Khuyến khích cho các em học sinh đạt giải. Sân chơi nhằm tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống, đạo đức, lối sống và những giá trị tốt đẹp của thiếu nhi Bắc Ninh, trang bị kiến thức về văn hóa, lịch sử quê hương Kinh Bắc giàu truyền thống văn hiến và cách mạng cho thiếu nhi toàn tỉnh. Đồng thời giúp các em nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của quê hương trong thời đại mới.
* Sôi nổi hành trình “Tuổi trẻ Bắc Ninh với biển đảo quê hương”: Tại chương trình diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, trưng bày triển lãm ảnh với 30 bức ảnh, tư liệu khẳng định về chủ quyền biển đảo Việt Nam… thu hút hơn 500 lượt đoàn viên thanh niên, học sinh tham gia. Qua đó, góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên về vai trò đặc biệt quan trọng của biên giới, biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đồng thời khơi dậy trong cán bộ, đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc. Có thể khẳng định, với tình cảm và trách nhiệm của tuổi trẻ Bắc Ninh hướng về biển, đảo quê hương bằng những việc làm, hành động đã tuyên truyền sâu rộng, tác động tích cực đến các bạn đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân trong tỉnh. Mỗi việc làm, hành động của tuổi trẻ Bắc Ninh góp phần chung sức cùng cả nước làm vang lên bức thông điệp chung về hòa bình, giữ vững chủ quyền thềm lục địa và vùng biển của Tổ quốc.
* Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh: Tuyên truyền, phát thanh tuyển sinh Hè, Học kỳ quân đội, dạy bơi... trên các phương tiện thông tin đại chúng và gần 60 trường THCS, tiểu học trên địa bàn thành phố Bắc Ninh và các huyện, thị lân cận với 27 loại hình. Năm nay có một số loại hình đào tạo năng khiếu mới như: Võ Vịnh Xuân Quyền, Dance, Yoga… Duy trì các hoạt động của CLB: Quan họ, Võ, Lân - Sư - Rồng, luyện tập các lớp học năng khiếu, Đội nghi lễ...
* Trung tâm DVVL thanh niên tỉnh: Tổ chức tư vấn hướng nghiệp thông tin thị trường lao động, tuyển sinh năm 2016 cho khối THPT tại trường Lương Tài số 2. Khai giảng 02 lớp Kỹ thuật nấu ăn trên địa bàn Quế Võ. Phối hợp với các xã, phường, thị trấn tổ chức 3 - 4 buổi tư vấn nhỏ cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn dân cư.
* Huyện đoàn Yên Phong: Phối hợp với Hội chữ thập đỏ tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện huyện Yên Phong năm 2016 với hơn 600 lượt người đăng ký hiến, toàn huyện đã hiến được 394 đơn vị máu, vượt chỉ tiêu đề ra là 350 đơn vị máu. Phối hợp với Liên đội các trường Tiểu học và THCS trong toàn huyện đồng loạt tổ chức tuyên truyền cổ động bầu cử Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Công tác phát triển đảng viên: Trong tháng các chi đoàn đã giới thiệu cho chi bộ Đảng xét kết nạp được 06 đoàn viên ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng.
* Thị đoàn Từ Sơn: Phối hợp với Phòng giáo dục thị xã tổ chức đi kiểm tra công tác Đội 33 trường học trên địa bàn thị xã. Trao giải cuộc thi vẽ tranh “Chúng em vẽ chú bộ đội Trường Sa năm 2016” với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 12 giải khuyến khích nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Chỉ đạo 12/12 xã phường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
* Huyện đoàn Tiên Du: Xây dựng và triển khai Kế hoạch về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới; Đồng thời triển khai Kế hoạch tổ chức Hội thi Nghi thức Đội huyện năm học 2015 - 2016 tới BCH các cơ sở đoàn. Lựa chọn 01 đối tượng xét trao học bổng Doraemon năm học 2016 - 2017 và 20 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích xuất sắc trong học tập được trao tặng xe đạp “Canon nâng bước chân em tới trường” do Tỉnh Đoàn tổ chức.
* Huyện đoàn Lương Tài: Tham gia hướng dẫn, giúp đỡ các đối tượng chính sách, người tàn tật được tặng 70 lăn, xe lắc do Ủy ban nhân dân huyện tổ chức tại Trung tâm văn hóa thể thao huyện. Tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 1.200 đoàn viên, học sinh trường THPT Lương Tài số 2 năm học 2015 - 2016. Thiết thực tổ chức hoạt động hưởng ứng tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2016, chỉ đạo đoàn cơ sở tổ chức hoạt động như: tổng vệ sinh quét dọn đường làng ngõ xóm, tham gia chiến dịch diệt chuột phát hoại mùa chiêm xuân, diệt ốc biêu vàng ...Hoạt động này thu hút trên 2.000 lượt ĐVTN, học sinh tham gia. Tiêu biểu: Đoàn Thị trấn Thứa, An Thịnh, Minh Tân, Phú Lương…
* Huyện đoàn Gia Bình: Chỉ đạo cơ sở Đoàn tổ chức “Tuần cao điểm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi”. Kết quả: Các cấp bộ Đoàn trong toàn huyện đã tổ chức được 36 buổi tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho 5.315 lượt ĐVTN, học sinh; Tặng 232 suất quà cho các đối tượng là CCB, Cựu TNXP, gia đình chính sách, mỗi suất trị giá 100.000đ - 200.000 đồng; Tham gia tu sửa, giúp đỡ, chăm sóc 105 hộ gia đình chính sách... Chỉ đạo CLB thầy thuốc trẻ tổ chức hoạt động “Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” tại xã Xuân Lai, cấp phát thuốc miễn phí cho 100 đối tượng người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã; Hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng, phòng chống bệnh chân tay miệng, tặng quà cho 100 trẻ mầm non với tổng trị giá 5.000.000 đồng; Hướng dẫn sơ cứu trẻ mầm non cho 50 giáo viên mầm non xã Xuân Lai và Thị trấn Gia Bình...
* Huyện đoàn Thuận Thành: Xây dựng và triển khai Kế hoạch vận động “Hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với hộ nghèo” trên địa bàn Huyện đến các cơ sở Đoàn. Phối hợp với Đoàn xã Ninh Xá thực hiện thắp sáng 2 km đường quê với tổng kinh phí 50 triệu đồng tại thôn Thiện Dũ do công ty Canon tài trợ. Khánh thành công trình Thanh niên cấp Huyện (Lắp đặt 10 cột điện: 4 cột tại Đình làng Liễu Khê và 6 cột tại Nghĩa trang liệt sĩ) xã Song Liễu.
* Thành đoàn Bắc Ninh: Tổ chức tuyên truyền và tham gia hoạt động đảm bảo trật tự ATGT cuộc bầu cử quốc hội Khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 tại 7 chốt đèn trọng điểm trên địa bàn Thành phố. Tổ chức hội thi “Nghi thức Đội – Chỉ huy Đội giỏi” Thành phố năm 2015 – 2016.
* Đoàn trường CĐ Thống kê: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho ĐVTN, tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn – Hội các cấp đến HSSV thông qua Website của nhà trường. Đội văn nghệ của nhà trường đã tham gia hội diễn Chào mừng 70 năm thành lập ngành Thống kê do Công đoàn Tổng cục Thống kê phát động và giành giải nhất tiết mục múa: “Sắc xuân Kinh Bắc”.
* Đoàn trường CĐ Sư Phạm: Phối hợp với Đoàn TN trường Đại học Chính trị đưa đoàn viên tham dự chương trình triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý” với ý nghĩa tuyên truyền tới đoàn nhằm giúp các em hiểu sâu rộng hơn về Biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam, tuyên truyền lòng yêu quê hương đất nước. Tập huấn công tác tình nguyện tuyên truyền tuyển sinh, tiếp sức mùa thi tại kỳ thi Tôt nghiệp PTTH quốc gia năm 2016. Duy trì hoạt động chăm sóc Văn Miếu Bắc Ninh theo lịch phân công hàng tháng.
* Đoàn trường CĐ Nghề cơ điện và xây dựng: Phối hợp với Công đoàn trường tổ chức thành công các hoạt động VHVN, thể thao, lao động vệ sinh môi trường chào mừng ngày giải phóng Miền nam 30/4, ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày thi đua yêu nước 11/6, cụ thể như: Bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, hội diễn văn nghệ, trồng và chăm sóc cây... Xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống các tệ nạn xã hội, HIV/AIDS nhân ngày Thế giới phòng chống ma túy 26/6 lần thứ 18 năm 2016. Duy trì sinh hoạt Đoàn trường và cấp chi đoàn.
* Đoàn khối CCQ tỉnh: Chào mừng bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, phối hợp với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh tổ chức 3 buổi chiếu phim tuyên truyền cho trên 800 ĐVTN. Nội dung: Chiếu phim tài liệu về các kỳ bầu cử Quốc hội và các bộ phim truyện nhựa Việt Nam. Tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống cho ĐVTN tại tỉnh Quảng Trị với các nội dung: Thăm Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn; Địa đạo Vịnh Mốc; Thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Cồn Cỏ; Tặng 20 suất quà trị giá 10 triệu đồng cho 20 ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; 100 lá cờ Tổ quốc treo trên các thuyền của ngư dân ra khơi bám biển.
* Đoàn khối Doanh nghiệp: Phối hợp Cung văn hoá thanh thiếu nhi tỉnh Bắc Ninh tổ chức các lớp kỹ năng cho con, em cán bộ, CNV trong khối Doanh nghiệp Tỉnh. Tổ chức hiến máu tình nguyện năm 2016, số người tham gia hiến trên 400 người kết quả thu được 150 đơn vị máu. Tổ chức hội nghị toạ đàm thanh niên với Bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tham dự toạ đàm có trên 100 đại biểu ĐVTN khối Doanh nghiệp.
ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 6/2016
1. Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, sinh hoạt hè 2016
2. Ra quân Chiến dịch thanh niên tình nguyện Hè 2016.
3. Tổ chức Chương trình “Tiếp sức mùa thi năm 2016”.
4. Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6) và Ngày thế giới phòng chống ma túy (26/6).
5. Giao ban cụm Trung du Bắc Bộ 6 tháng đầu năm 2016.
6. Kiểm tra công tác Đoàn và phong trào TTN 6 tháng đầu năm 2016.
ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 6
Chủ đề: “Tình nguyện vì cộng đồng”
Một số nội dung cần tuyên truyền:
- Tổ chức Lễ ra quân và triển khai các đội hình, các hoạt động trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2016.
- Tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi; Đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên, học sinh bậc trung học phổ thông tham gia sinh hoạt tại địa phương trong kỳ nghỉ hè.
- Tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về vai trò, tầm quan trọng của gia đình trong xã hội; Nâng niu, quý trọng tình cảm gia đình, những giá trị truyền thống quý báu của người Việt Nam được gìn giữ trong gia đình như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động...
- Vận động đoàn viên, thanh niên tích cực xây dựng kinh tế, vun đắp và phát huy giá trị truyền thống gia đình, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, đất nước phát triển.
CHUYÊN ĐỀ:
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH
Bác nhớ các cháu thiếu niên dũng sĩ miền Nam
Tháng
Xem thêm những bài viết khác
- Bản tin Thanh niên tháng 7/2016 Số (10/03/15)
- Bản tin Thanh niên tháng 6/2013 SỐ 16 (10/03/15)
- Bản tin Thanh niên tháng 4/2013 SỐ 14 (10/03/15)
- Bản tin Thanh niên tháng 3/2013 SỐ 13 (10/03/15)
- Ban tin thanh niên tháng 7/2016 (14/07/16)
- BẢN TIN THANH NIÊN THÁNG 123/2016 SỐ 353637 (21/07/16)
- BẢN TIN THANH NIÊN THÁNG 04/2016 SỐ 38 (21/07/16)
- BẢN TIN THANH NIÊN THÁNG 5/2 016 SỐ 39 (21/07/16)