khach san bac ninh

THEO DÒNG LỊCH SỬ
Tue, Day 22/12/2020 00:00 AM

76 năm trang sử anh hùng vẻ vang người lính Bộ đội cụ Hồ

Cách đây 76 năm, ngày 22/12/1944, tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập, gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ những chiến sĩ du kích, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.

Hình ảnh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân khi được thành lập.

   Trong số 34 cán bộ, chiến sĩ của đội có 29 người là dân tộc thiểu số. Cụ thể, dân tộc Tày: 19 chiến sĩ, dân tộc Nùng: 8 chiến sĩ, dân tộc Mông: 1 chiến sĩ, dân tộc Dao: 1 chiến sĩ; còn lại 5 chiến sĩ người dân tộc Kinh, đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm trong các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, Cứu quốc quân... là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam với chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã được nhân dân coi như con em. Luôn luôn gắn bó với dân, được dân tin, dân yêu, dân thương vì dám xả thân “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”.

Lễ diễu hành của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

   Trải qua 76 năm trưởng thành và phát triển, từ 34 con người quả cảm ấy, quân đội Nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, từng bước trở thành một đội quân chính quy - tinh nhuệ - hiện đại lập nên những chiến công vang dội, điển hình nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ - “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và cuộc chiến trường kỳ gian khổ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông nối liền một dải.

Người lính cụ Hồ với chiếc mũ nồi xanh.

   Trong thời bình, hình ảnh người bộ đội cụ Hồ không chỉ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới tổ quốc “trên không, trên bộ, trên biển” mà còn được thể hiện rõ nét với vai trò của những người lính gắn liền chiếc mũ nồi xanh của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

   Người dân tại các quốc gia Châu Phi đặc biệt là Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi luôn dành những tình cảm đặc biệt cho lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng ta trong 5 năm vừa qua. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” được người dân sở tại xem không chỉ như một người lính của Liên Hợp Quốc mà là biểu tượng của một nền văn hóa Việt Nam, của những người lính Bộ đội Cụ Hồ. Ngày 1/10/2018, Việt Nam đã lần đầu tiên triển khai đội hình đơn vị, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan. Các cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến 2 số 1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo y tế, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại địa phương. Sau 12 tháng làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, Bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã khám và điều trị cho hơn hai nghìn lượt bệnh nhân. Số lượng này cao hơn rất nhiều so với định mức bình quân của Liên Hợp Quốc đề ra cho các bệnh viện dã chiến cấp 2 là khoảng 200 ca. Các y bác sĩ Việt Nam đã thực hiện 62 ca phẫu thuật, vận chuyển thành công bằng đường hàng không 7 trường hợp lên bệnh viện tuyến trên. Những quân nhân mũ nồi xanh với “Quốc kỳ cờ đỏ - sao vàng” trên ngực như những đóa hoa thơm nở rộ trên mảnh đất khô cằn tại Châu Phi, quân đội ta hướng dẫn họ cách canh tác, trồng rau củ, phủ xanh những vườn rau tại những mảnh đất khô cằn. Hình ảnh người “lính cụ Hồ” tại những mảnh đất thiếu thốn, xung đột tôn giáo sắc tộc mạnh mẽ tại “lục địa đen” với vô vàn điều kiện khó khăn luôn có vị trí đặc biệt trong lòng nhân dân các quốc gia châu Phi.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

   Không chỉ mang đến bệnh viện, cách thức canh tác, quân đội ta còn lập kì tích trong việc phổ cập dịch vụ viễn thông và công nghệ 4.0 cho mọi người dân ở các nước Châu Phi cũng như các nơi khác trên thế giới. Tiêu biểu như đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, tổ chức và hoạt động về lĩnh vực “Viễn thông và Công nghệ”. Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã mang công nghệ thông tin liên lạc đến với các nước Châu Phi (Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania); Châu Á (Campuchia, Lào, Đông Timor, Myanmar); Châu Mỹ (Haiti, Peru). Những đất nước này cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc không có sự phát triển về internet và mạng di động, viễn thông, đều gặp rất nhiều khó khăn. Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của Viettel, 11 nước trên thế giới đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt về công nghệ thông tin, viễn thông, xóa nhòa đi những khoảng cách về địa lý, đem đến cơ hội tiếp cận internet cho hàng triệu người dân tại các quốc gia này.

   Phải khẳng định rằng, người lính bộ đội cụ Hồ, đã là biểu tượng thông tin cho nhiều dân tộc trên thế giới, họ nhắc đến quân đội ta với sự yêu mến, niềm kính trọng, bởi “Bộ đội cụ Hồ” luôn đem đến niềm tin, hạnh phúc tới các quốc gia mà chúng ta đã đặt chân đến thực hiện nhiệm vụ.

Từ những hy sinh trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19…

   Năm 2020 chuẩn bị khép lại, với một năm đại dịch Covid-19 tác động đến mọi lĩnh vực trong xã hội, làm đảo lộn mọi mặt đời sống - kinh tế, con người trong năm qua. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó, đất nước ta đã hứng chịu và bị ảnh hưởng một phần không nhỏ. Để kiểm soát được toàn bộ tình hình dịch bệnh, là sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn bộ hệ thống chính trị, đóng góp một phần không nhỉ vào thành công đó là lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam

Bộ đội cùng các lực lượng trong công cuộc ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

   Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát. Quân đội ta trên cả nước đã chủ động, kịp thời triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch. Rất nhiều đơn vị đã chủ động nhường doanh trại, cơ sở vật chất, huy động lực lượng phục vụ, chăm sóc, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho công dân Việt Nam và công dân nước ngoài cách ly tại đơn vị. Nhiều cán bộ, nhân viên, chiến sĩ quân đội tại tuyến tiền phương, trực tiếp tiếp xúc với mầm bệnh đã nêu tấm gương sáng, tận tụy làm việc, tăng cường theo dõi, thăm khám cho hàng vạn công dân được cách ly, xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, những người lính trong bộ quân phục xanh đã vượt lên những vất vả, thiếu thốn về vật chất và tinh thần để "ăn lán, ngủ rừng", bám trụ biên giới để bảo vệ sự bình an cho nhân dân. Để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua biên giới, lực lượng bộ đội biên phòng đã hết sức trách nhiệm, không quản khó khăn, hy sinh lợi ích riêng để phục vụ cho lợi ích chung của Tổ quốc. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ bố mất, mẹ mất không thể về chịu tang. Nhiều đồng chí, vợ sinh con đầu lòng không thể về thăm. Hàng chục chiến sĩ trẻ phải tạm hoãn lại việc tổ chức sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời là xây dựng gia đình, thậm chí nhiều đồng chí còn phải hoãn cưới tới lần thứ hai để bám chốt cùng đồng đội. Rồi chưa kể những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn: ăn ở tạm bằng nhà bạt; cơ sở vật chất thiếu thốn, không có điện, thiếu nước sinh hoạt, đường xá đi lại, thông tin liên lạc và công tác bảo đảm hậu cần gặp nhiều khó khăn mọi bề khi phải ngủ lán, nằm rừng, bất kể mưa nắng ngăn chặn dịch bệnh.

   Tất cả những sự hy sinh, gian khổ ấy được đền đáp bằng những chuỗi ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, góp phần lớn vào thành công trong việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố trên cả nước diễn ra thành công tốt đẹp.

…Đến những mất mát trong cuộc chiến với thiên tai, lũ lụt miền trung năm 2020

   Khi tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn ra phức tạp, ngay sau đó khúc ruột Miền Trung tiếp tục phải oằn mình hứng chịu những cơn bão và thiên tai. Năm 2020, những đợt bão, lũ liên tiếp đổ về khắp các tỉnh miền Trung, đây là tình trạng bão lũ và sạt lở đất tồi tệ nhất trong 100 năm trở lại đây. Nhiều căn nhà đã bị tàn phá, hoa màu bị hư hại, và những người dân là đối tượng dễ bị tổn thương thì lâm vào cảnh tay trắng, mất mát, thiệt hại vô cùng lớn về người và của.

Bộ đội trong công tác hỗ trợ miền Trung ảnh hưởng bởi thiên tai.

   Khi những ngày đồng bào các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam… căng mình chống chọi với cơn “Đại hồng thủy” thì hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” cùng các lực lượng vũ trang, công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên… luôn sát cánh cùng nhân dân vượt qua hoạn nạn được các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân cả nước hết lòng ngợi ca.

   Có những chuyến đi của các anh lại không hẹn ngày về, khi lũ đến mang theo những vụ lở đất là nơi nguy hiểm nhất, các anh không quản ngại thân mình đi vào khu vực thiệt hại do sạt lở làm công tác giải cứu, thật không may, đó lại là lần cuối cùng các anh thực hiện nhiệm vụ. Sự hy sinh anh dũng của 33 cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 cùng những hành động, việc làm của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu trong cuộc chiến với “giặc thủy” được đồng bào xem như những ân nhân, chỗ dựa vững chắc trong hoạn nạn.

   Trong cơn “Đại hồng thủy” hoành hành đồng bào miền Trung, nơi nào hiểm nguy nhất, nơi nào bà con gặp hoạn nạn nơi đó có “Bộ đội Cụ Hồ” - Bộ đội luôn sát cánh cùng nhân dân, sẵn sàng xả thân, hy sinh cứu đồng bào. Những địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra, đâu đâu cũng ngập chìm trong nước. Mặc cho dòng nước cuồn cuộn, có thể nhấn chìm mọi thứ, nhưng bất chấp hiểm nguy, trên những chiếc bè, chiếc xuồng cứu hộ, vượt qua dòng nước lũ hung dữ, những chiến sĩ màu áo xanh đi đến từng gia đình cứu người dân đưa đến nơi an toàn.

   Công cuộc tìm kiếm các công nhân bị nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 chưa kết thúc, nhận được tin 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 337 gặp nạn, một lực lượng lại vượt lũ tiếp cận hiện trường cứu đồng đội. Sự không may mắn lại ập đến với lực lượng cứu hộ đến Trạm Kiểm lâm 67 , nơi 13 cán bộ, chiến sĩ mất tích do đất đá vùi lấp. Đây là những sự mất mát vô cùng to lớn đối với toàn thể nhân dân cả nước nói chung và lực lượng quân đội nói riêng, minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần, ý chí của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội hết lòng vì nhân dân phục vụ. Hành động, việc làm và tinh thần sẵn sàng xả thân vì đồng bào của cán bộ, chiến sĩ LLVT các Đoàn, Quân khu, vô cùng xứng đáng được nhân dân tôn vinh là những người hùng.

   Có nơi đâu trên thế giới này, bộ đội nhường nhà, nhường giường chiếu, vào rừng huấn luyện, lót lá nằm đất để dân được chăn ấm, đệm êm. Có nơi đâu trên thế giới này bộ đội không ngần ngại nguy hiểm đến tính mạng vào vùng thiên tai để tìm người bị nạn, dùng tay đào, bới đất đá để tìm đồng đội bị nạn. Những việc làm trên đã góp phần tô thắm, lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, được Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao”. Quân đội sẽ làm hết sức mình, với tinh thần “tất cả vì sức khỏe của nhân dân.

   Tính nhân văn của xã hội, tính cộng đồng của con người - đó chính là nét đẹp và sức mạnh của một dân tộc. Nét đẹp và sức mạnh ấy đã được “Bộ đội Cụ Hồ” phát huy và làm lan tỏa ở những thời điểm khó khăn nhất; họ đã đặt lợi ích của cộng đồng lên trên quyền lợi của riêng mình. Truyền thống, đạo lý của dân tộc “thương người như thể thương thân” lại được những người “lính” làm sáng lên, thật ấm áp, gần gũi trong lòng nhân dân. Những việc làm cụ thể, thiết thực đó một lần nữa khẳng định: “Bất luận trong hoàn cảnh nào, Quân đội ta vẫn giữ vững bản chất cách mạng của mình. Đó là lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, một quân đội “của dân, do dân và vì dân”. Họ làm việc, chiến đấu và hy sinh thầm lặng vì sức khỏe của chúng ta; tô thắm, in đậm và nổi bật thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình "Vì nhân dân quên mình"...

   Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020) xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chúc các đồng chí của lực lượng vũ trang sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, và có một ngày lễ vui tươi, tràn đầy ý nghĩa! Chúc các đồng chí “bộ đội cụ Hồ” đã và đang làm nhiệm vụ ở biên giới, hải đảo xa xôi luôn vững tay súng bảo vệ toàn vẹn vùng trời vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc! 

TN - Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Bắc Ninh.