Gia Bình: Vợ chồng cử nhân sinh học bỏ phố về quê trồng nấm
Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, cô gái nhỏ nhắn Lương Thị Kim Ngọc và người chồng cùng ngành Đỗ Trọng Duân (cùng sinh năm 1989) có khoảng thời gian được làm việc tại một Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại Hà Nội. Công việc cho thu nhập ổn định, ấy thế mà, đôi vợ chồng cử nhân sinh học Lương Thị Kim Ngọc và Đỗ Trọng Duân (thôn Hiệp Sơn - Đông Cứu - Gia Bình) lại quyết định bỏ phố về quê xây dựng mô hình trồng nấm hiệu quả và làm thay đổi nhận thức của người xung quanh.
Chị Ngọc bên xưởng nấm của gia đình
Năm 2015, sau khi kết hôn và nghỉ sinh con tại quê, chị Ngọc nhận thấy lượng rơm rạ dư thừa sau mỗi vụ thu hoạch là rất lớn, đây chính là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất nấm ở địa phương. Chị bàn với chồng, quyết định ở lại quê hương lập nghiệp: “Ở đâu cũng vậy, sự nghiệp là do chúng ta tạo dựng nên. Nếu có sự đồng lòng của cả hai, tôi tin vợ chồng tôi có thể cùng lo cho tương lai bằng chính bàn tay và khối óc của mình”. Nghĩ là làm, hai anh chị bắt tay vào xây dựng mô hình sản xuất nấm sò. Với số tiền vay mượn được từ người thân và 20 triệu đồng từ nguồn vay tín chấp của Hội Phụ nữ xã, anh chị đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng 250 m2 nhà xưởng để trồng thử 600 bịch nấm.
Mặc dù đã có kiến thức cơ bản nhưng khi bước vào sản xuất thực tế, anh chị gặp phải không ít khó khăn và thất bại ngay lần đầu tiên khi nhiều bịch nấm bị mốc, hỏng. Không nản chí anh chị quyết tâm tìm hiểu kinh nghiệm của những người đi trước, kiến thức trên mạng và mày mò thực hành. Kiên trì theo dõi, thay đổi quy trình sản xuất, những mẻ nấm tiếp theo thành công như mong đợi. Chị đánh giá: “Nấm sò là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc, tuy nhiên nấm dễ bị nhiễm bệnh mốc xanh, nấm hồng và bị côn trùng tấn công nên cần sự chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ. Để tạo môi trường tốt cần cung cấp đủ nước, độ ẩm và thu hái, bảo quản đúng kỹ thuật. Gia đình luôn chú ý đến việc trồng nấm theo hướng an toàn: Tưới nước sạch, thường xuyên vệ sinh trại bằng vôi bột”.
Sau một thời gian khởi nghiệp, trang trại của anh chị có quy mô hơn 4000m2 trong đó có khoảng 400 m2 nhà xưởng, nhà kho và nhà nuôi trồng nấm, phần đất còn lại trồng cây ăn quả. Ngoài sản xuất nấm sò với quy mô hơn 10.000 bịch nấm mỗi năm, anh chị còn thử nghiệm thêm nấm rơm, linh chi, mộc nhĩ… Nguồn chất thải trồng nấm được tái tạo làm phân bón cho hơn 100 gốc bưởi Diễn và các loại rau, củ trong vườn. Sau khi trừ chi phí, trang trại cho thu lãi từ 150-200 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng.
Thành công là vậy nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn chưa bằng lòng dừng lại ở đó. Đầu năm 2018, hai vợ chồng quyết định triển khai ý tưởng trồng thêm nấm kim phúc. Theo anh Duân, nấm kim phúc ưa nóng, mới du nhập vào nước ta, quy mô sản xuất còn chưa đáp ứng đủ. Nấm rất mẫn cảm với điều kiện môi trường, rủi ro cao nhưng giá trị kinh tế lớn. Vì vậy, để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, anh chị có ý tưởng sản xuất theo quy trình khép kín, sử dụng lò hơi để tạo nhiệt độ lý tưởng cho nấm phát triển. Quy trình như vậy có thể cho năng suất tốt, chất lượng tươi ngon, sạch bệnh, nhiều dinh dưỡng nhưng cũng đòi hỏi đầu tư khá cao.
Hiện nay, anh chị đang xây dựng từng phần khu nhà xưởng mới và mua sắm một số thiết bị để sản xuất chuyên biệt loại nấm giá trị này. Năng suất thử nghiệm cho thấy một tấn nguyên liệu thu được 500kg nấm. Với giá bán 50.000 đồng/kg, tổng thu có thể đạt 25 triệu đồng/1 tấn, cho lãi gần 10 triệu đồng/1 tấn. Dự kiến 1 năm cơ sở sản xuất khoảng 25 tấn nguyên liệu. Ngoài sản xuất thương phẩm, cơ sở còn cung cấp phôi bịch nấm đến tay người tiêu dùng để thỏa mãn nhu cầu tự trồng và chăm sóc nấm. Ý tưởng này của chị đã đạt giải nhất trong Vòng chung khảo ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 do Hội Phụ nữ tỉnh trao tặng hồi tháng 6 vừa qua.
Chị Ngọc bày tỏ: “Bản thân là những người trẻ chưa có tích lũy nguồn lực tài chính lớn, vợ chồng tôi rất mong muốn được tạo điều kiện cho vay vốn để hiện thực hóa các ý tưởng, mở rộng quy mô sản xuất, từ đó góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, bảo vệ môi trường nông thôn. Tâm niệm lớn hơn của tôi là, sự thành công của mô hình này sẽ tiếp thêm ý chí, ước mơ để cho nhiều chị em phụ nữ quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.
Ban Tuyên giáo TĐ
Xem thêm những bài viết khác
- Kế hoạch (02/06/17)
- Thanh niên khởi nghiệp (05/02/17)
- “Sóng” khởi nghiệp (05/10/16)
- Ươm mầm đam mê kinh doanh và khởi nghiệp (17/10/17)