khach san bac ninh

Thanh niên khởi nghiệp
Wed, Day 05/10/2016 00:00 AM

“Sóng” khởi nghiệp

      Khởi nghiệp (Start-up) là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua, đặc biệt là năm 2016 - năm Quốc gia khởi nghiệp với rất nhiều doanh nghiệp (DN) mới được thành lập, hàng nghìn mô hình kinh doanh được ra đời. Phát huy truyền thống của vùng đất “trăm nghề”, những làn sóng khởi nghiệp tại Bắc Ninh diễn ra mạnh mẽ và có chuyển biến tích cực, tập trung trong các lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nông nghiệp, kinh tế đô thị và công nghiệp hỗ trợ.

      Bài 1: Dậy sóng khởi nghiệp

      Có trình độ học vấn, ý chí làm giàu chính đáng, ý tưởng độc đáo và khát khao cống hiến, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn dấn thân để mở ra những cánh cửa riêng cho cuộc đời mình. Một kỹ sư CNTT về quê làm nông sản sạch. Trưởng phòng của DN lớn xin thôi việc để “dành tất cả” cho đam mê kinh doanh. Cặp vợ chồng giáo viên rẽ ngang theo đuổi ngành công nghiệp hỗ trợ… Nhiều, rất nhiều những con người như vậy, họ đã và đang tạo ra làn sóng khởi nghiệp rộn ràng trên quê hương Quan họ.

      “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”

      “Bắc Ninh là nơi đứng chân của nhiều tập đoàn kinh tế lớn, vậy tại sao mình không tận dụng điều đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ tiến tới trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu?”, chị Nguyễn Thị Hưởng (sinh năm 1985), Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư thương mại quốc tế Minh Phú (xã Lạc Vệ, Tiên Du) - Top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam 2017 chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp của mình như vậy.

      Đam mê kinh doanh, sau một thời gian tìm hiểu thị trường, chị Hưởng nhận thấy trong quá trình sản xuất, các DN dư thừa rất nhiều phụ phẩm, trong đó có nhựa phế liệu. Theo chị, việc biến những loại nhựa phế phẩm này trở thành hạt nhựa sạch, cung cấp ngược lại cho nhà sản xuất vừa là một cơ hội kinh doanh, vừa giải quyết được vấn đề môi trường.

      Có ý tưởng, nhưng “tay trắng” và ít kinh nghiệm, chị lặn lội xuống các cơ sở sản xuất ở Hưng Yên tìm cách liên kết. Một mặt, chị đứng ra nhận thu gom nhựa phế liệu tại một số nhà máy trong tỉnh và chuyển về cơ sở tại Hưng Yên, mặt khác nhập sản phẩm nhựa tái sinh từ các cơ sở này về bán lại cho nhà sản xuất. Mỗi chuyến hàng, chị “ăn chênh” được 5-10 triệu đồng. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm không đồng đều, nhiều chuyến hàng bị nhà sản xuất trả lại. Biết không thể phát triển bền vững với cách làm như vậy, năm 2014, chị bàn với người chồng giáo viên mạnh dạn huy động vốn từ anh em, bạn bè, thuê nhà xưởng và mua sắm trang thiết bị, thành lập DN chuyên sản xuất hạt nhựa tái sinh.

Lãnh đạo Tỉnh Đoàn chúc mừng 4 gương mặt của Bắc Ninh nằm trong top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam 2017.

       Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, kiên trì tìm kiếm bạn hàng, sau 6 tháng thành lập, DN của chị đi vào hoạt động ổn định. Đến nay, Minh Phú trở thành thương hiệu uy tín trong lĩnh vực sản xuất hạt nhựa, thu hút ngày càng nhiều đơn hàng, từng bước góp mặt trong chuỗi cung ứng sản phẩm hỗ trợ cho các đối tác lớn như Samsung, Canon… Hiện Công ty có hơn 7.000m2 nhà xưởng, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động tại chỗ cùng nhiều cơ sở gia công, cung cấp ra thị trường 500-700 tấn sản phẩm/tháng. Năm 2016, doanh thu của Công ty đạt 90 tỷ đồng. Chị Hưởng khẳng định: Khi khởi nghiệp, vốn là một vấn đề thiết yếu, song điều quan trọng nhất để thành công là ý tưởng và chiến lược kinh doanh. “Tôi mong muốn tạo ra những sản phẩm “Made by Vietnam” đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực”.

      Đối với Nguyễn Hữu Thành (sinh năm 1987 ở Cách Bi, Quế Võ), từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh luôn mơ ước trở thành một kỹ sư CNTT. Nhưng khi đã hiện thực hóa ước mơ, được nhận vào làm việc tại một công ty phần mềm máy tính tại Hà Nội với mức lương khá cao, Thành lại xin nghỉ, về quê làm kinh doanh.

      Lựa chọn đầu tiên của Thành là phát triển kinh doanh một ngành thương mại tại Bắc Ninh. Tuy nhiên, kiến thức ít, vốn mỏng khiến dự án đầu tay nhanh chóng thất bại. Không nản chí, anh xin vào làm việc tại Công ty FPT Chi nhánh Bắc Ninh để tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm. Tại đây, Thành nhanh chóng khẳng định mình khi được đề bạt chức Trưởng phòng chỉ trong thời gian ngắn. Thế nhưng, một lần nữa anh chia tay ngành công nghệ để dành cho mình cơ hội thắp lên ngọn lửa đam mê.

      Thành nhớ lại: “Thời điểm đó, trong tỉnh có rất ít mô hình nông nghiệp sạch trong khi nhu cầu thị trường rất lớn. Tôi dự tính đầu tư vào lĩnh vực này, song vốn ít, quỹ đất nhỏ, kinh nghiệm chưa có. Qua nhiều đêm suy nghĩ, tôi nhận ra rằng chỉ có liên kết sản xuất mới có thể thành công”. Sau khi đi nhiều nơi tìm đối tác và học hỏi kinh nghiệm, anh tìm được một trang trại hơn 7ha vừa xây xong nhưng chưa hoạt động. Cái bắt tay giữa hai bên nhanh chóng diễn ra. Anh đầu tư thiết bị, công nghệ chăn nuôi hiện đại, trồng rau sạch.

       Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đầu ra cho sản phẩm đóng vai trò quan trọng. Năm 2013, nhận thấy thị trường cung ứng suất ăn công nghiệp ở địa phương “rộng cửa”, lại có sẵn nguồn thực phẩm từ trang trại của mình, anh thành lập Công ty TNHH Thương mại An Huy Vina và tham gia vào lĩnh vực này. Anh xác định đây là một thị trường tiềm năng nhưng không hề dễ tiếp cận, bởi nhu cầu suất ăn công nghiệp của các công ty trên địa bàn tuy lớn, song do có rất nhiều đơn vị tham gia nên sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt.

     “Tôi nghĩ cần liên kết xây dựng một chuỗi trang trại nông nghiệp sạch trước khi đẩy mạnh kinh doanh. Chỉ như vậy mới tạo bàn đạp vững chắc để bước ra thị trường” anh Thành bày tỏ. Năm 2015, anh đi tìm những đối tác mới ở trong và ngoài tỉnh, tìm những vùng có điều kiện thuận lợi để làm trang trại. Anh cũng tham gia CLB Đầu tư khởi nghiệp Việt Nam, học hỏi và liên kết với các DN hoạt động cùng lĩnh vực… Đến nay, mỗi ngày Công ty của anh cung cấp gần 10.000 suất ăn công nghiệp, các thực phẩm được chế biến đạt chuẩn, bảo đảm độ tươi ngon, trong đó khâu ATTP luôn được đặt lên hàng đầu. “Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, sau lũy tre làng, cơ hội khởi nghiệp, làm giàu và tự chủ là rất lớn. Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn” - Thành chia sẻ.

      Chấp nhận thay đổi để thành công

      Những mô hình khởi nghiệp thành công như chị Hưởng, anh Thành không phải là hiếm ở Bắc Ninh. Có thể kể đến các mô hình tiêu biểu như: Logistics, dịch vụ kho vận của anh Nguyễn Duy Hà (SN 1982), Giám đốc Công ty CP SBI (Quế Võ); thiết bị văn phòng phẩm của chị Nguyễn Thị Ngọc Hải (SN 1983), Giám đốc Công ty TNHH Hoàng An (thành phố Bắc Ninh); Lý Hoàng Phong (SN 1991), Giám đốc Công ty Sunwon (Yên Phong) khởi nghiệp với máy bán hàng tự động và kinh doanh siêu thị mini; Nguyễn Thị Trâm (SN 1990), Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (Lương Tài); hay các mô hình khởi nghiệp từ kinh doanh nhà hàng, đồ ăn uống (Asia Coffee, Snow Island, Tadibar), dịch vụ cưới hỏi (Domino), tiện ích đô thị - làm sạch công nghiệp (Khải Hoàn, Gia Đình Việt)… Ở họ có điểm chung, đều là những người trẻ không đi theo “lối mòn”, dám chấp nhận thay đổi để thành công.

      Chủ tịch CLB Đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Nguyễn Duy Hà nhận định: Khởi nghiệp không chỉ là cuộc đua của đam mê, mà còn là cuộc đua sáng tạo. Bởi thiếu một trong 2 yếu tố đó thì khó đi đến tận cùng để thành công. Ví như, trong một thành phố đã có 100 quán cà phê, quán thứ 101 của bạn mà vẫn thế, không có sự khác biệt nào về sản phẩm, chất lượng hay dịch vụ, thì coi như chưa khai trương nhưng đã định ngày đóng cửa. Trong hành trình khởi nghiệp, nếu biết kết hợp với những người cùng chí hướng thì mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ hơn. Không nhiều người thành công ngay từ lần khởi nghiệp đầu tiên. Nhưng, bạn đừng ân hận vì những điều mình đã làm, mà chỉ nên tiếc vì những điều đã nghĩ, đã muốn mà không dám làm!

      Bài 2: Hành trình không đơn độc

      Khi “chập chững” những bước đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp, các doanh nhân trẻ gặp phải không ít khó khăn, nếu không có những bàn tay, cái ghé vai giúp sức, nâng đỡ... họ rất dễ đổ ngã trên đôi chân non nớt của mình...…

       “Chiến trường” khởi nghiệp

      Vẫn còn nguyên cảm giác lo sợ khi nhớ lại giai đoạn đầu khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Ngọc Hải, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại văn phòng phẩm Hoàng An (thành phố Bắc Ninh) - người vừa được vinh danh khởi nghiệp xuất sắc năm 2017 chia sẻ: “Thực sự có những buổi trưa đứng giữa khu công nghiệp, mình không biết đi theo lối nào”.

      Tìm đến công việc kinh doanh văn phòng phẩm sau thời gian nghỉ thai sản, người phụ nữ với kiến thức quá ít ỏi về thị trường và số vốn vỏn vẹn 30 triệu đồng, tất cả những gì chị có là sự quyết tâm. Trong suy nghĩ của chị bấy giờ, Bắc Ninh là một thị trường hấp dẫn và ảo tưởng có thể dễ dàng tiếp cận những DN nước ngoài. Chị hồ hởi đi chào hàng ở nhiều nơi. Để rồi trong chừng ấy thời gian, chị cũng không nhớ đã nhận được bao nhiêu cái lắc đầu từ chối vì họ đã có đối tác quen thuộc. Chị nhận ra, với doanh nghiệp (DN) nhỏ, sẽ không một DN lớn nào tự tìm đến mình. Vậy là chị bắt đầu tìm tòi về sản phẩm, đa dạng các mặt hàng đáp ứng đủ yêu cầu của họ từ những thứ nhỏ nhất như chiếc bút, cuộn băng dính…

      Góp gió thành bão, từ 250 mặt hàng ban đầu, giờ đây cơ sở của chị có tới 6.000 mặt hàng văn phòng phẩm. Sản phẩm nhỏ, lãi ít, nhưng quan trọng là tạo được uy tín với khách hàng, Công ty của chị đã tiến được vào nhiều DN FDI khó tính, doanh thu tăng dần đến hàng chục tỷ đồng/năm. “Người trẻ có sức sáng tạo, có nhiệt huyết nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Người ta thường nói thương trường như chiến trường, và để thành công, người khởi nghiệp không chỉ tự trang bị tri thức làm sản phẩm, mà còn cần tri thức về quản trị” - chị Hải bày tỏ.

       Một trở ngại lớn của DN khởi nghiệp là hình thành nhanh chóng, thời gian tích lũy chưa nhiều, không có tài sản thế chấp nên rất khó khăn khi vay vốn ngân hàng hay tiếp cận chính sách hỗ trợ. Chị Nguyễn Thị Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư thương mại quốc tế Minh Phú nhớ lại khoảng thời gian chị phải vay lãi ngày để có thể duy trì DN mới khai sinh: “Khi sản phẩm làm ra bị lỗi, đối tác trả về cùng lúc người đầu tư chung rút vốn, tôi như đứng trên bờ vực thẳm. Lúc đó, tôi chỉ khát khao có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tại địa phương, nhưng mọi cơ hội đều đóng cửa”.

      Không chỉ khó khăn về vốn, nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó cho việc thành lập và hoạt động của DN. Mặc dù hiện nay, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh của Bắc Ninh, nhưng không ít DN khởi nghiệp phàn nàn khi làm các thủ tục khiến họ nản chí. Chưa kể, khó khăn trong mặt bằng sản xuất khiến DN chưa thể “an cư lạc nghiệp”. Chị Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, người đầu tiên đưa cây măng tây xanh VietGAP về Lương Tài cho biết: “Với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước ngày một lớn, diện tích 5ha để trồng măng tây xanh và một số nông sản xuất khẩu của chúng tôi không đủ đáp ứng các đơn đặt hàng, trong khi thủ tục, thời gian thuê đất sản xuất cũng gặp nhiều rắc rối. Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ cần có bàn tay nhà nước hỗ trợ DN tích tụ ruộng đất”.

      Mỗi DN khởi nghiệp giống như những mầm cây, cần có những vườn ươm tạo môi trường sinh thái để phát triển, trưởng thành. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có vườm ươm nào do việc huy động nguồn tài trợ cho hình thành và hoạt động các vườn ươm còn nhiều khó khăn.

      Hành trình không đơn độc

      Người ta nói, Quốc gia khởi nghiệp được ví như một kim tự tháp, ở tầng nền sẽ có vô vàn ý tưởng, DN ra đời, nhưng trải qua sự sàng lọc và cạnh tranh khắc nghiệt, sẽ chỉ có rất ít người đứng trên tầng cao nhất. Vì vậy rất cần có những bệ đỡ, tạo ra nhiều khởi nghiệp tốt để đưa đến đỉnh cao hoàn chỉnh. Hưởng ứng làn sóng khởi nghiệp đang dâng trào, Bắc Ninh đã bắt đầu xuất hiện những chương trình thắp lửa cho những ý tưởng khởi nghiệp.

      Có mặt trong buổi cà phê doanh nhân cuối tuần của CLB Đầu tư và khởi nghiệp Bắc Ninh, chúng tôi được hòa vào không khí cởi mở, phóng khoáng. Mỗi thành viên, không phân biệt tuổi tác, vị trí, từ công chức văn phòng, sinh viên, người đã thành danh, đến những người chưa có trong tay một chút ý tưởng nào cùng đến đây để chia sẻ với nhau tất cả về sản phẩm, thị trường hay đôi khi chỉ là câu chuyện buồn vui trong mưu sinh, cuộc sống. Theo họ, ý tưởng khởi nghiệp có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và cần được vun đắp, hoàn thiện bởi những ý tưởng nhỏ khác. Thế nên CLB sinh hoạt định kỳ như một ngôi nhà chung kết nối các cá nhân, góp phần hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. 

      Cũng là một tổ chức kết nối các doanh nghiệp, ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh khẳng định thêm: “Trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, bên cạnh sự chuẩn bị của các bạn trẻ, hành lang hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, còn cần sự hỗ trợ của các DN đã thành công để tạo sự lan tỏa đến cộng đồng DN. Vì vậy, thời gian tới, Hội sẽ tăng cường chọn tạo những ý tưởng hay để kết nối với những nhà đầu tư. Người có vốn cần cộng hưởng với người có ý tưởng để tạo ra những mô hình kinh doanh vững chãi”.

      Một tin mừng là mới đây, UBND tỉnh đã chính thức thông qua Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính đột phá với những nội dung chính: Thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhằm tạo cơ hội, điều kiện để thanh niên phát triển; tiến tới tìm kiếm, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, ngân hàng, doanh nghiệp, trường đại học nước ngoài về việc hỗ trợ nguồn vốn vay, chương trình đào tạo cho cộng đồng khởi nghiệp Bắc Ninh; áp dụng cơ chế hỗ trợ thời gian gia nhập thị trường thông qua việc rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; chính sách ưu đãi về chi phí thuê mặt bằng, ưu đãi về đất đai và thuế theo quy định của pháp luật; tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí nhằm giúp các cá nhân, DN khởi nghiệp tiếp cận thông tin pháp luật, hạn chế các rủi ro trong kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là nền tảng quan trọng, tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho hoạt động khởi nghiệp.

      Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội tỉnh cho rằng, trong ươm tạo khởi nghiệp, cần chú trọng khởi nghiệp sáng tạo. Bởi đây mới là những hoạt động kinh doanh mang tính đột phá, mũi nhọn đem đến động lực phát triển kinh tế. Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc tại Bắc Ninh ngày 12-2-2017 về việc Bắc Ninh tham gia thí điểm thực hiện chương trình, đề án của Chính phủ về cách mạng công nghiệp 4.0, cần xây dựng cơ chế khuyến khích, đầu tư gắn với các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

       Trong buổi đối thoại với DN ngày 16-5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh cũng khẳng định, Bắc Ninh sẽ tích cực hỗ trợ phát triển các DN tư nhân và xác định đây sẽ là động lực chính phát triển kinh tế trong tương lai. Trong bối cảnh tỉnh đang mở rộng cửa đón các nhà đầu tư ngoài nước, lãnh đạo tỉnh vẫn nhất quán quan điểm ưu tiên hỗ trợ cho DN khởi nghiệp với mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 15.000 DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Mục tiêu lớn hơn, biến xứ “trăm nghề” giàu bản sắc Bắc Ninh-Kinh Bắc không chỉ là miền đất hứa cho các nhà đầu tư nước ngoài mà còn trở thành “thiên đường” cho người khởi nghiệp. 

Nguồn Báo Bắc Ninh